Friday, May 28, 2010

Mừng Phật Đản Sanh


Saturday, May 22, 2010

Mấy đoạn thăng trầm

Đọc lá thư chứa đầy chán chường, tuyệt vọng, tôi bâng khuâng mãi không biết nên viết thế nào để khuyên em đây.   Mất một công việc tốt đúng với sở thích, lương cao  mà em hằng gắn bó bấy lâu là điều dễ nản lòng.  Nhất là việc làm đầu đời của mình sau khi tốt nghiệp.  Người Việt Nam chúng ta thường biết chuyện ngụ ngôn "Tái ông mất ngựa" để nói về hên xui, may rủi không biết đâu thật giả.  Tôi kể cho em chuyện này có nội dung tương tự, đây là câu chuyện thật mà thế hệ cha ông chúng ta nhiều người trải qua.  Tôi xin gác bỏ yếu tố chính trị trong câu chuyện mà chỉ nói đến tính chất nhân sinh.  Mong rằng khi em đọc xong, nổi tuyệt vọng sẽ tan đi...


Bác Nam và bác Nghĩa là hai người bạn thân thiết sinh ra lớn lên trong một ngôi làng miền trung.  Sau khi đất nước bị chia đôi, hai bác đến tuổi đi lính nên phải gia nhập quân đội miền nam.   Vì có bằng cấp nên cả hai được vào trường sĩ quan.  Ra trường cả hai lấy vợ và cùng sống gần nhau trong khu cư xá sĩ quan tại thành phố Đà Nẵng.   Bác Nghĩa do được cấp chỉ huy nâng đỡ, xuất quân ra trận ít khi bị "nạn" nên được thăng cấp nhanh chóng.  Cả khu cư xá người nào cũng cho bác Nghĩa may mắn, sự nghiệp hanh thông.  Bác Nam thì binh nghiệp trầy vây tróc vẩy, khi bạn ở cấp Đại tá thì mình chỉ là Thiếu tá dù những trận bác Nam tham gia toàn những trận có tính quyết định.  Ai cũng cho là Bác Nam xui, làm nhiều hưởng ít, bị thương mấy trận, xém chết mấy lần!


Sau khi thống nhất đất nước, sĩ quan cấp úy trở lên phải đi học tập cải tạo.  Cấp tá thường bị đi cải tạo 5 năm.  Bác Nam do có bà con bên vợ làm cách mạng bảo lãnh nên chỉ đi học tập đúng 2 năm được về.    Mọi người ai cũng mừng cho bác Nam may mắn được về sớm.  Trong khi đó bác Nghĩa đi học tập năm này qua năm nọ, vợ con bạn bè ngóng trông.  Hết người này được thả đến người khác, nhưng bác Nghĩa "xui xẻo"  7 năm sau mới được trở về.


Đầu năm 1990, Mỹ và VN ký lộ trình bang giao, trong đó có sĩ quan cải tạo từ 3 năm trở lên qua định cư tại Mỹ.  Bà con bên bác Nam to nhỏ rằng:  bác xui xẻo có bà con bên vợ làm cách mạng làm chi để không được đi Mỹ.  Bác Nam chấp nhận cuộc sống của mình, bao giờ cũng mang ơn người vợ và người bà con bảo lãnh.  Trong khi bác Nghĩa chờ đợi đi Mỹ, bác Nam cùng vợ con tiếp tục canh tác khu vườn trái cây rộng lớn tại Bình Dương mà gia đình bác khai khẩn sau khi đi học tập về.   Những người sĩ quan chế độ cũ  sống gần bác Nam cũng năn nỉ bác mua lại ruộng vườn của mình để có tí tiền làm giấy tờ ra đi.  Dạo ấy đất vườn rẻ như bèo nhưng bác Nam thương các chiến hữu ngày xưa nên cũng ráng góp nhặt mua giùm cho nhiều người.  


Bác Nghĩa qua Mỹ tuổi đã gần lục tuần, việc làm khó khăn, bác chỉ có thể làm công việc không đòi hỏi chuyên môn. Tuy nhiên bác cũng may mắn kiếm được việc dọn dẹp phòng ốc tại khách sạn với đồng lương đủ sống.  


Nhiều năm sau, kinh tế VN phát triển, vùng đất Bình Dương trở thành đất bạc, đất vàng.  Với hàng chục mẫu vườn rộng lớn, bác Nam trở thành triệu phú USD.  Bác khôn khéo chỉ bán một nửa làm vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất đồ gồ xuất khẩu, còn lại bác dùng đất ấy xây dựng quán hàng, du lịch vườn.  Con cháu bác đi ký giao kèo thương mại, tu học, đi du lịch ngoại quốc hằng năm.


Một hôm bác Nghĩa về VN ghé thăm người bạn nối khổ.  Hai bác ngồi uống trà, kể chuyện đời của mình qua chặng đường hên xui.  Cả hai bác cùng kết luận rằng may mắn hên xui không biết đâu thật giả, trong bối cảnh nào cũng phải cố gắng vươn lên, sống chân thật bằng tấm lòng và lương tâm mình.  Điều thật cao qúy nhất giữa hai người là tình bằng hữu trải qua bao năm tháng lên xuống mãi còn đó trong tim.   

Huyền Lam
Ngày ghé miền Đất Cảng - Oregon 5/2010

Friday, May 14, 2010

Khi phà ngưng rời bến

Trong tháng qua, cây cầu treo vĩ đại Cần Thơ sau mấy năm xây dựng đã khánh thành. Hành trình xuyên Việt từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau giờ đây được thông suốt không còn phải chờ phà qua sông.  Cây cầu rút ngắn thời gian di chuyển, giúp sản phẩm dồi dào từ vùng châu thổ Cửu Long nhanh chóng chuyển đi khắp mọi miền, góp phần đẩy mạnh kinh tế đất nước đi lên.

Cây cầu hoạt động cũng có nghĩa những chiếc phà sang sông đi vào quá khứ.  Cảm giác đi phà giữa dòng sông Hậu mênh mông, đứng trên boong nhìn lục bình trôi, gió thổi mát đượm mùi phù sa...chỉ còn trong ký ức phai mờ theo năm tháng.  Riêng tôi, trên những chuyến phà này có một kỷ niệm nhỏ, mỗi lần nghĩ đến xúc cảm lại tràn về.

Cách đây 20 năm, tôi, một người thanh niên trẻ trở về thăm quê hương lần đầu tiên sau 10 năm xa cách mà lần bỏ nước ra đi tưởng không bao giờ  gặp lại.  Đất nước dạo ấy rất nghèo, cơ chế bao cấp đè nặng xã hội.  Kinh tế thị trường chỉ là bán buôn cá thể như ngoài chợ hoặc những bước đi dọ dẫm nhỏ nhoi.  Hoa Kỳ vẫn còn bao vây cấm vận VN khắt nghiệt vòng trong, vòng ngoài.  Đường phố Sài Gòn thời điểm đó vắng vẻ, xe đạp chiếm đa phần.  Một ngôi nhà mặt tiền trên đường Nguyễn Đình Chiểu bán 50 cây vàng không ai mua.  Người ăn xin, kẻ chân trần áo rách cũng không ít.  Ra phố mua đồ, người dân biết mình ở nước ngoài sẽ bao quanh mời mọc, nếu không cẩn thận, cái ví trong túi sẽ có cánh mà bay.

Ở sài gòn vài ngày, tôi đạp xe vòng vòng khắp nơi, thương cho quê hương mình còn nghèo nhưng cũng vui khi thấy chính sách đổi mới  bắt đầu có hiệu quả, khai mở cho VN từng bước phát triển tốt đẹp.  Ít hôm sau tôi thuê xe về Cần Thơ, khi lên phà bắc Mỹ Thuận, người tài xế dặn: "ở yên trong xe, không được quay kiếng xuống, không được mua bất cứ gì, vì mua một sẽ có hàng chục người vây quanh mời gọi phiền phức, không khéo mất đồ, chiếc ô tô bị trầy!"

Nghe lời người tài xế, tôi đóng cửa kín mít, ngồi nhìn chiếc phà nhộn nhịp người đi đường lẫn kẻ bán hàng rong.  Thỉnh thoảng vài bàn tay gỏ cửa kiếng mời mua hàng, Ánh mắt nài nỉ làm tôi xót dạ.  Có mấy lần định kéo cửa kiếng xuống, nhưng người tài xế dọa làm tôi chùng lòng.  Khi phà cập bến, tôi thầm tiếc không có dịp bước ra ngoài ngắm nhìn sông nước Cửu Long.

Xe chạy một đỗi xuyên qua đồng lúa phì nhiêu, vườn cây xum xuê nặng trĩu trái rồi đến bến phà Cần Thơ cũng đông người buôn kẻ bán.  Trong lúc ngồi chờ lên phà, tôi động lòng kéo kiếng xuống mua chôm chôm bà cụ bán. Chỉ trong phút chốc, hàng chục người khác vây quanh mời gọi.  Mặc cho tài xế càm nhàm, tôi ráng mua giúp người này đến người kia cho đến khi phà rời bến.  Lên trên phà cũng nhiều người bán hàng chen lấn vây quanh mời mọc:

"...mua giúp bác đi, mua giúp chị đi, mua cho em đi...sáng giờ ế quá, làm phước đi anh, cho em có miếng cơm.."

Tôi mua thêm vài người rồi ngưng vì băng ghế sau cũng đã ngỗn ngang mấy chục bịt trái cây.  Người bán cũng biết tôi không thể mua được nữa nên bỏ đi mời người khác.   Tôi mở cửa xe bước ra ngoài hóng gió thì có cậu bé khoảng 10 tuổi đến mời mua bánh ú.  Thấy em non nớt, giống mình đi bán dạo ngày xưa, tôi mua một xâu bánh ú.  Trả tiền xong, tôi cầm xâu bánh ú đưa lại cho em và chỉ vào ghế sau:

"...anh mua cho em, nhưng anh có nhiều quá rồi, không dùng hết. Anh cho em lại xâu bánh ú để đi bán cho người khác!"

Cậu bé cầm xâu bánh ú nhoẻn miệng cười thật dễ thương, xò tay vào túi:  "em trả tiền lại cho anh, em cám ơn anh đã mua giúp..."

Tôi sửng sờ, điếng cả người!  Lại đến phiên mình lấp bấp năn nỉ cậu bé:  "anh mua thiệt tình mà, nhưng vì không dùng nên cho lại em, em giữ tiền đi"

Cậu bé vẫn cười hồn nhiên:  "em không lấy đâu anh!  Em đi bán hàng mà.  Mai mốt qua phà nếu thấy em bán ế quá phải đi ăn xin, anh hãy cho..."

Cậu bé nhét tiền vào tay tôi, chạy vút đi mời người khác.  Tôi đứng trên boong, nhìn dòng sông Hậu đục màu phù sa, lòng ngập tràn niềm vui cảm phục xen lẫn niềm đau như có ai đánh thốn vào tim.  Ngày xưa tôi đi bán dạo, ai đó cho tiền chắc chắn tôi sẽ mừng rỡ nhận lấy!  Với mớ kiến thức học được từ nước ngoài, với chút ít tài chánh là thiên đường của cậu bé, thế nhưng bản lĩnh sống, chất liệu sống làm nên cốt cách con người, tôi thật thua xa cậu bé ốm nghèo rách mướt!  Những ông quan tham nhũng giàu nứt vách nhưng không ngừng vơ vét, những cậu ấm cô chiêu cả đời ăn bám bố mẹ khoe nhau mua hàng hiệu bạc ngàn USD, chắc chắn không hiểu được bản lĩnh sống làm người!

Khi phà cập bến, tôi kiếm cậu bé, xoa xoa bờ vai gầy ốm:  "anh cám ơn em thật nhiều...em giỏi lắm!...Em cho anh bài học rất cảm động, rất dễ thương ..."

Cậu bé hồn nhiên, mỉm cười bối rối như không hiểu tôi nói gì.  Em chạy nhanh xuống bãi mời đoàn xe chuẩn bị lên phà qua bờ bên kia...

Về thăm quê hương lần đầu tiên, đây là kỷ niệm tôi qúy nhất, nhớ mãi.   Những chuyến về sau này dù tệ nạn xã hội tràn đầy, nhưng mỗi lần về tôi lại gặp thêm nhiều em như thế khi bán vé số, bán hàng dạo.  Số người làm việc thiện mỗi năm mỗi đông thêm.  Tổ chức thiện nguyện ngày càng nhiều góp phần chăm lo người bất hạnh.  Dù báo chí đăng nhiều tin tức tội phạm, dù nhiều người than phiền xã hội đạo đức ngày càng suy đồi,  nhưng tôi biết rõ đất nước ở tương lai không chỉ giàu đẹp vật chất mà còn vững mạnh tinh thần, bản lĩnh sống làm người.  Cậu bé ngày xưa giờ đây đã ba mươi...đang góp phần tạo dựng!

Huyền Lam
Nắng ấm tháng 5 - 2010