Sunday, June 13, 2010

Bà Tiên Bóng Đá

Có lẽ Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên trái đất này lạnh nhạt với giải world cup 4 năm một lần.  Trong khi cả thế giới cuồng nhiệt hướng về Nam Phi theo dõi từng trận đấu bóng đá, thì tại Hoa Kỳ các kênh truyền hình, báo chí, internet media hầu như im bặt dù năm nay Hoa Kỳ may mắn vượt qua vòng sơ tuyển khu vực.   Trong các kỳ thi thể thao thế giới gồm cả Olympic, Word cup bao giờ cũng dẫn đầu số lượng người xem với bầu nhiệt huyết nóng bỏng từng ngày,  bởi lẽ bóng đá là môn thể thao chính của hầu hết quốc gia trên thế giới.

Suốt hai ngày qua tôi muốn tìm kênh truyền hình Mỹ chiếu lễ khai mạc và các trận đấu vòng loại nhưng kiếm không ra.  Cuối cùng phải nhảy qua kênh Canada nơi đang phát sóng 24/24 về world cup như hầu hết các quốc gia khác.  Rủ bạn bè về nhà xem vài trận trầm trồ cổ vũ cho vui nhưng không ai hứng thú.  Bóng bầu dục, bóng rỗ, bóng chày...đã nuốt chửng bóng đá.    Dù nhà trường có câu lạc bộ bóng đá tại cấp 2, cấp 3, đại học, nhưng mọi nổ lực đều dành cho bóng bầu dục, khiến vận động viên môn thể thao này thành thần tượng, điểm thu hút mọi người.  Các cô gái đẹp, múa hay nhảy giỏi được tuyển vào đội cheer leaders, giàn trống kèn inh ỏi được tập dượt thổi thêm hào khí cho môn thể thao này.  Bóng đá trở thành môn thể thao bên lề và không có "cool" nên không mấy ai chơi, không mấy ai mê ngoại trừ dân nhập cư.

Đối với tôi, bóng đá là bà tiên của tuổi thơ thế giới, là Phật là Chúa là Các-Mác đem đến một phần hạnh phúc cho nhân loại trong tinh thần bình đẵng giàu nghèo đều được "hưởng" giống nhau.  Chưa có môn thể thao nào đơn giản, hấp dẫn, tạo ra tinh thần đồng đội, tính hợp đồng như bóng đá.  Ai cũng có thể chơi, chơi hầu hết bất cứ nơi nào và không tốn tiền để mua trang thiết bị.  Muốn chơi bóng bầu dục, giàn đồ nghề bảo vệ thân thể tốn cả ngàn USD, bóng rổ phải có sân xi măng, có rổ...trẻ em quốc gia nghèo chỉ có mơ để chơi.

Tôi nhớ mãi hồi còn bé, mỗi mùa hè thường được về quê nội ở Huế.  Buổi chiều tôi thường theo các bạn trong làng ra cánh đồng vừa gặt xong để chia phe đá bóng.  Dạo ấy đất nước còn chiến tranh, có tiền mua một trái banh không phải là điều dễ làm.  Trẻ em quê tôi dùng rơm bện thành banh, chúng tôi đá hăng say thích thú bằng đôi chân trần trên cánh đồng gió thổi hiu hiu mát. 

Những năm sau ngày thống nhất đất nước, VN rất nghèo, tôi vẫn còn cậu bé nhỏ tuổi thỉnh thoảng xách thùng đi bán dạo sau giờ học kiếm thêm chút tiền giúp gia đình.  Ban đêm khi bán buôn đã ế ẩm, chúng tôi kết nhau lại đá bóng bên lề  các con đường lớn dưới ánh đèn vàng èo uột.  Trái banh được bện bằng bao ni lông thiên hạ vứt bỏ.  Chúng tôi đứa thì bán vé số, đứa bán thuốc lá, bánh kẹo, đứa đi lượm ve chai, phế liệu...say mê đá.  Bao nỗi cơ cực, nhọc nhằn lắm lúc chua cay đè nặng trên vai tuổi thơ, phút chốc được bà tiên bóng đá xua tan, đem đến cho chúng tôi những giây phút hân hoan, sung sướng, hạnh phúc có thật. 

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, mạnh được yếu thua, nước Mỹ bá chủ nhiều lãnh vực, ảnh hưởng sâu đậm đến thế giới.  Đồng tiền Mỹ trở thành đồng tiền quốc tế.  Phim, nhạc Mỹ đè bẹp phim ảnh thế giới.  Cách sống, văn hoá Mỹ từ từ làm lu mờ, xoá sổ bản sắc văn hoá nhiều quốc gia.   May mắn thay, kỷ nghệ bóng bầu dục dù bao nổ lực lan ra bên ngoài, vẫn không ảnh hưởng đến thế giới bóng đá.  

Kênh truyền hình Canada ghi lại hình ảnh thế giới đón nhận world cup:  Trẻ em nghèo lượm rác ở Mexico, trẻ em giàu ở Đức, trẻ em nơi rừng rú hoang dã phi châu, trẻ em dưới kinh đô ánh sáng Paris vui thích đá bóng và sôi nổi luận bàn world cup, lòng tôi sung sướng hoà nhịp.  Bóng đá đã đem đến phần nào hạnh phúc, công bình bất kể giàu nghèo, bất hạnh hoặc may mắn,có điều kiện hay vô vọng.  Mong rằng bóng đá mãi là bà tiên hạnh phúc của tuổi thơ và nhân loại thế giới.





Huyền Lam
Tháng Sáu - Mùa World Cup 2010