Monday, August 23, 2010

Dư Âm một chuyến đi

Định viết tiếp chuyến đi thăm miền đông Hoa Kỳ và Canada, nhưng xin đành thất hứa với các bạn bên VN.  Những nơi tôi đến các bạn có thể vào Google tìm thêm chi tiết hoặc hình ảnh. Một chuyến đi nhiều cảnh đẹp đầy lý thú, tuy nhiên khắc khoải trong tâm tôi là một hình ảnh vô cùng nhỏ nhoi. Hình ảnh này tạo vấn đề lớn làm nhiều người thuộc thế hệ qua Mỹ từ hồi trẻ như tôi thường nhắm mắt làm ngơ, hoặc tìm mọi cách tránh né  để khỏi bị phiền...  xin được đi vào câu chuyện

Sau mấy ngày tham quan thủ đô Hoa Kỳ, trước khi rời Washington DC để đi Atlantic city,  người bạn quen từ hồi trại tị nạn mà thỉnh thoảng cả năm mới liên lạc một lần, mời về nhà thăm.  Những ngày qua P thỉnh thoảng đến khách sạn thăm tôi hoặc ra ngoài ăn tối chung. 

P cũng chỉ mới chuyển đến DC từ tiểu bang khác vài năm thôi.  P lập gia đình nhưng người bạn đời đã ra đi, có hai con Lisa và Kevin 11, 9 tuổi.  P làm một bữa ăn VN đơn giản đãi tôi.   Hai con P sinh ở đây nhưng nói được tiếng Việt dù không trôi chảy cho lắm.  

Sau bữa ăn, tôi ngồi nói chuyện vui đùa cùng P và hai cháu  Lisa, Kevin, hỏi chuyện học hành.  Tôi hỏi Lisa có làm đề án nào đặc biệt cho lớp học không? (any special, interesting school project?)  Lisa ngập ngừng nửa muốn nói, nửa không, rồi trả lời là có làm bản nghiên cứu về nhạc cụ Việt Nam.   Tôi khen em,  xin em cho xem.  Nét mặt Lisa bối rồi nhìn P chờ sự cho phép.  Tôi hơi ngạc nhiên, vì  trẻ em  thường khoe đồ mình làm.   P nhìn con mỉm cười, gật đầu.

Lisa chạy vào phòng lấy ra tấm bìa cứng đã hơi nhoè nhoẹt vì không còn xử dụng, khổ 1.5 mét x 1 mét,  
Hai lá cờ...làm tôi sửng sờ, choáng váng. 
P nhìn tôi ánh mắt tìm sự đồng cảm.  Nhiều năm lưu vong ở xứ Hoa Kỳ, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một hình ảnh như thế:  Lá cờ Việt Nam  được toàn thế giới công nhận và lá cờ miền nam trước 1975 cùng có mặt trên bản nghiên cứu nhạc cụ VN của em bé sinh ra tại nước ngoài.  

Lisa và người bạn cùng lớp làm chung bản nghiên cứu để trưng bày tại nhà trường cho các học sinh khác xem.  Chuyện một em sinh ra ở nước ngoài, chịu khó nghiên cứu đề tài này giữa nền văn hoá nghệ thuật Hoa Kỳ hấp dẫn cả thế giới là chuyện đáng khen, đáng nể, nhất là ngay cả nhiều trẻ em, người lớn bên VN còn không quan tâm.  Bản nghiên cứu đơn giản nhưng so với số tuổi của em là sự vượt bậc.

Thế nhưng tâm hồn trong trắng Lisa phải đối mặt với bao rối rắm.  Em sinh ra ở đất nước được mệnh danh là tiền đồ dân chủ tự do tuyệt đối, thế nhưng em không thể nào hoàn toàn thoát ra được vòng kim-cô vô hình do một số bậc cha ông còn cưu mang từ quá  khứ xa xôi.

P kể lúc đầu Lisa đem tấm bảng ra khoe.  Khi nhìn thấy lá cờ, P hoảng hốt, sợ run dù năm nào cũng về VN...  P liên tưởng đến những cuộc biểu tình, chống đối, chụp mũ.  Rồi người ta sẽ kéo đến nhà, đến trường đã đảo con mình, gọi tên con bằng từ  ngữ hận thù.  P thuyết phục con và người bạn làm chung bỏ lá cờ đi thay vào đó là lá cờ miền nam trước 1975 để khỏi phiền phức. Hai em không chịu vì thầy cô bạn bè trong trường chỉ biết đến VN qua lá cờ hiện tại.  Cuối cùng P thuyết phục hai đứa thêm vào lá cờ bên dưới, lỡ có ai chống đối thì bảo rằng người bạn Lisa (không phải gốc Việt) cùng làm chung nên phải tôn trọng ý kiến riêng.  Còn riêng với trường học thì Lisa có thể giải thích rằng đây là lá cờ của miền nam ngày xưa nơi mẹ Lisa xin ra, cũng giống như lá cờ miền nam nước Mỹ trong cuộc nội chiến (Civil war) mà nay đã được thay thế bằng lá cờ hiện tại của lực lượng chiến thắng, thống nhất đất nước hơn 1 thế kỷ qua.

Rất nhiều bậc phụ huynh người Việt tại Hoa Kỳ, Úc phải nhức đầu, trăn trở vấn đề này.  Biết bao người đem con em về thăm quê hương xứ sở cho biết đất nước cha mẹ mình ra sao.  Rất nhiều em, qua chuyến đi, cảm kích yêu thương VN và hằng năm trong các chương trình văn hoá nghệ thuật tại trường, các em muốn trình bày về VN.  Nhưng  khi các em dùng lá cờ để biểu tượng cho công trình của mình thì được cha mẹ "tư vấn" cấm triệt....


"chuyện người lớn, phức tạp lắm, con đừng hỏi nữa, để lá cờ này lên thì con và ba mẹ không yên với mấy ông ấy ..."

Không những chỉ chuyện học đường, biết bao chương trình biểu diễn nghệ thuật hoặc công trình văn hoá do thành phố tài trợ chi phí phải hủy bỏ vì chuyện biểu tình.  Tiêu biểu là tại khu công viên nổi tiếng thế giới Balboa Park tại thành phố San-Diego.  Cách đây trên 10 năm, thành phố chi tiền xây nhà văn hoá cho các quốc gia có nền văn hoá nổi bật.  Việt Nam là một trong 36 quốc gia được chọn.  Vì là trung tâm du lịch quốc tế, tại mỗi nhà văn hoá thành phố sẽ treo cờ quốc gia đó.  Tuy nhiên một số người Việt đã biểu tình rùm beng vì không chấp nhận lá cờ.  Kết quả là ủy ban thành phố San Diego đã chọn quốc gia khác.  Việt Nam mất đi một trung tâm giới thiệu nền văn hoá đến thế giới.  Con em người Việt hải ngoại mất đi nơi chốn học hỏi, tìm hiểu về nguồn gốc quê hương  của cha mẹ...

Rời nhà P, tôi tiếp tục chuyến du hành theo chương trình định sẵn.  Hình ảnh tấm poster thỉnh thoảng làm tôi suy nghĩ.  Đêm cuối cùng ở thác Niagara - Canada, vào internet đọc được tin và xem video clip:  Cách đây một hôm, Lý Tống giả gái lên tặng hoa rồi xịt hơi cay vào mặt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.  Bên cạnh đó tin tức bà ngoại trưởng Clinton tuyên bố đồng hành cùng Việt Nam trên mặt trận biển đông làm Trung Quốc nổi giận.  Đây là thành quả ngoại giao khôn khéo của VN trong vấn đề quốc tế hoá Hoàng Sa, Trường Sa nhằm bảo vệ tổ quốc.  Một tuần sau, phái đoàn chuyên gia đa ngành Việt Nam đáp máy bay hạ cánh xuống siêu mẫu hạm, tàu sân bay lớn nhất thế giới George Washington đậu ngoài khơi Đà Nẵng, kế cận Hoàng Sa để tham quan và học hỏi.  Ít hôm sau, khu trục hạm (Destroyer)  McCain cập cảng Tiên Sa-Đà Nẵng vừa thăm viếng vừa tập trận.  Lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam lộng gió bay song song cùng lá cờ hoa nước Mỹ trên đỉnh cao chiến hạm.

Sau 3 tuần lang thang, trở vào công ty làm, gặp người bạn Hoa Kỳ vừa đi du lịch VN mặc chiếc áo "I love VN" với lá cờ đỏ sao vàng to lớn.  Tôi thử lửa anh ta bằng cách rủ anh đi ăn trưa ở tiệm phở.  Người Việt nhìn anh ngạc nhiên, đa số tủm tỉm cười.  Không  một ai có thái độ chống đối anh.  Cũng là người Hoa Kỳ sinh đẻ tại đây, nhưng con em gốc Việt chắc chắn không có được cảm giác "tự do" để bày tỏ như vậy!






Trải qua một chuyến chơi xa
Tấm hình trông thấy làm ta xoay vòng....


Huyền Lam - Mùa Báo Hiếu Vu Lan 2010


*Tên nhân vật đã được thay đổi và xoá...

Saturday, August 14, 2010

Về Miền Đông - Phần 3 - Virgina Beach

(phần 1..)
(phần 2..)


Qua khỏi cây cầu vĩ đại, chạy vài mươi cây số đến thành phố biển Virginia Beach.   Dù thành phố rất hiện đại, được người Miền Đông khen rối rít, Virginia Beach không thể nào so sánh với Hawaii được.  Tất nhiên Nha Trang, Mũi Né, Đại Lãnh và vô số biển khác của VN đẹp hơn nhiều.  Sự thiếu sót của những cây dừa hoặc rặng núi dọc theo bờ, làm bãi biển thô cứng mất đi nét thiên nhiên trữ tình.








Biển là bãi cát dài khá rộng, người ta cho xây đường đi bộ dọc theo bờ để du khác có thể vừa đi bộ vừa đi xe đạp.  







Loại xe đạp 4 đến 6 người đạp được thiên hạ thuê rất nhiều.  


Tôi đặt trước một khách sạn xa khu du lịch 15 cây số để tránh đông đúc ồn ào.  Nơi đây hoang vắng chỉ có một khách sạn duy nhất trên bờ biển với nhiều lau sậy, cỏ dại mọc gần bờ.  Tôi thích như vậy hơn, nếu có buồn thì lái xe đi Virginia Beach chơi cũng không xa rồi về lại chốn thiên nhiên tịnh dưỡng.


Nước biển mùa hè ở đây ấm mát không khác chi VN, nếu mang theo mắt kiếng bơi, bạn sẽ thấy nhiều con cua-ghẹ màu xanh thỉnh thoảng chạy lăng tăng dưới nước.  
Cách vài chục km từ Virginia Beach là căn cứ Hải Quân Norfolk.  Ở xa xa nhìn vào thấy 3, 4 chiếc tàu sân bay khổng lồ đang bỏ neo, thầm nghĩ tiền đâu, người đâu quốc gia này có thể tạo được những công trình vĩ đại như vậy.


Ở Virgina Beach 4 ngày, ăn lui ăn tới đồ Mỹ ớn tới não.  Thèm một dĩa cơm, tô phở, tô bún VN nhưng lái xe vòng vòng trong khu du lịch không thấy.  Nhờ cụ google, kiếm một hồi gặp được nhà hàng Vietnam Garden, cả lũ mừng như bắt được vàng.   Lái xe tới nơi, thấy nhà hàng khang trang, nột thất đẹp đẽ đượm chất Việt Nam.Tờ menu tiếng Việt được trang trọng in trước tiếng Anh, ai cũng vui.






Người hầu bàn châu á cầm sổ niềm nở ra ghi món ăn khách chọn.  Chúng tôi, người kêu món cơm này, kẻ kêu món bún, món phở kia một cách hứng khởi.  Người hầu bạn nhỏ nhẹ nói:  "Tôi không biết tiếng Việt, muốn ăn gì thì nói tiếng Anh hoặc chỉ cái số."


Hỏi ra thì mới biết nhà hàng của cặp vợ chồng trẻ người Hoa sinh quán ở Singaphore.  Tại nhà hàng không có ma nào biết nói tiếng Việt dù hầu hết toàn nấu đồ ăn Việt.  


Nói chung nếu theo tiêu chuẩn người Việt thì họ nấu không ngon.  Tuy nhiên so với 4 ngày ăn đồ Mỹ, mãi đến hôm nay mới có dĩa cơm vô bụng thì thật tuyệt vời.  Ngồi nghe mấy ông Tây ăn khen rối rít mình cũng thầm cười, chắc mấy ông không thể ngờ rằng toàn bộ nhân viên nhà hàng không phải là người Việt Nam.   


Rời nhà hàng chúng tôi không lấy làm thất vọng.  Trên xe cả bọn cười đùa bàn thảo:  Sao mình là VN lại không mở nhà hàng để người Hoa họ làm.  Tôi nói rằng: "Đây là điểm đáng mừng.  Chứng tỏ ẩm thực VN lan rộng.  Điểm đáng khen là dù họ người Hoa nhưng khi họ mở nhà hàng VN, mọi thứ hoàn toàn VN.  Chứng tỏ họ trân qúy nền văn hoá Việt."


...còn tiếp ...Đi Washington DC

Saturday, August 7, 2010

Về Miền Đông - Phần 2 - Trên Đường Đến Virgina Beach






Cộng đồng người Việt tại Boston không đông bằng Cali, Texas hay Washington, có lẽ cũng được 40, 50 ngàn người.  Chợ, nhà hàng Việt Nam nhiều nhưng không tập trung thành khu phố như các tiểu bang khác.   Chợ VN bán nhiều hải sản tươi sống, nhất là tôm hùm được chứa trong các hồ kiếng.  Tôm hùm là đặc sản của miền này.   Người Việt đến chơi Boston, khi ra về thường mua đóng thùng đem theo.   Tôm hùm Boston không đẹp như tôm hùm Việt Nam.  Tôm Boston có 2 càng to tướng, trông rất dữ dằn.  Tôm VN không có càng, có nhiều râu, thân hình hoa văn đẹp mắt, sau khi hy sinh cho miếng ăn con người, vỏ tôm còn được làm đồ trang hoàng.
Tôm Hùm Boston (hoặc Maine)

Tôm Hùm Việt Nam


Boston cũng có nhiều chùa, hoạt động khá hữu hiệu, nhất là những ngôi chùa thực tập theo thiền phái Trúc Lâm của thầy Thanh Từ.

Ở chơi Boston được 3 hôm, chúng tôi thuê xe lái đi thăm các điểm du lịch như dự tính ban đầu.   Khởi điểm sẽ xuất phát từ Boston đi xuống phiá nam đến Virgina Beach (A-B) Từ Virgina Beach sẽ đi ngược lên phía bắc đến Washington DC (B-C), Atlantic (C-D), New York (D-E), Connecticut (E-F), Canada-Niagara Fall (F-G), trước khi xuôi nam trở về lại Boston (G-A) để bay về tiểu bang nhà.  Tổng cộng tất cả là 3339 ki-lô mét lái xe(2075 Miles) cho chuyến đi 14 ngày.

Đoạn đường từ Boston đi Virgina Beach dài gần một ngàn cây số, lái xe ngồi ê cả mông.  Tôi muốn đi nơi đây vì nghe nói biển, khung cảnh như Waikiki Hawaii.  Không giống như miền tây Hoa Kỳ, chạy xe từ cực bắc biên giới Canada đến cực nam Mexico không tốn phí cầu đường.  Ở miền đông, chạy trên xa lộ cứ vài tiếng phải trả tiền.  Có nơi thu 50 xu (1/2 đô), có nơi thu 5, 10 đô la.

Chạy được nửa đoạn đường, tôi tách khỏi xa lộ liên bang, đi vào tỉnh lộ vài trăm cây, tuy chậm một hai giờ nhưng biết được thực tế khung cảnh, đời sống hơn.  Xe chạy qua nhiều cánh đồng bắp bạt ngàn.  Người ta trồng bắp không để ăn nhưng để làm cồn trộn xăng.  Rau quả màu xanh thẳng tấp  tới tận chân trời như không bao giờ ngừng.  Thỉnh thoảng vài biệt thự cổ xưa trơ trọi trên các cánh đồng mênh mông ấy.  Có lẽ đây là trang gia của các điền chủ ngày xưa hành xác nô lệ người da đen trên các cánh đồng này để tạo nên giàu mạnh cho bản thân mình.


Cũng trên cánh đồng ấy, ngày nay người Mễ (châu mỹ La-Tinh), từng đoàn đi thu hoạch hoa màu.  Vợ chồng con cái, kẻ hái người khiêng, lúp xúp dưới ánh nắng oi bức mùa hè.  Nước Mỹ nếu không có người Mễ qua đây làm lậu, hoặc làm tạm thì một trái táo, bó hành, bó rau, miếng thịt sẽ mắc gấp 3, 4 lần.  Đã qua rồi thời nô-lệ ép buộc.  Ngày nay do sự bất công trong giá trị đồng tiền giữa các quốc gia, cộng thêm hoàn cảnh kinh tế tại cái nước kém mở mang đã đem lại nguồn nô lệ mới tự nguyện.   Đến mùa thu hoạch, người Mễ kéo qua Mỹ vô số, từng vài chục người nhét chung trong căn nhà bẩn thỉu chật hẹp. Họ làm từ sáng đến nắng tắt chỉ để kiếm 1/3, 1/2 mức lương tối thiểu của người Hoa Kỳ.  Luật lao động của nước Mỹ cho phép trẻ em làm nông nghiệp là nhằm để thu hút thêm nguồn nhân lực từ giới lao động này vì người Mễ họ làm chung cả gia đình.   Ngày nay hầu hết các nhà hàng, chợ buá của người Việt đều mướn người Mễ vì rẻ hơn mướn người Mỹ hay người Việt!

Sau hơn 10 tiếng lái xe cho đoạn đường 900 cây số, chúng tôi đến trạm thu phí qua cầu Cheaspeake Bay trước khi chạy thêm 50 cây số để đến Virgina Beach.  Tôi chuẩn bị vài đô La và khi nhìn vào tẩm biển thu phí 12 đô la để qua cầu, tôi giật mình, không ngờ qua cây cầu này mắc như vậy.   Thế nhưng khi lái xe trên cầu, chạy giữa biển cả mênh mông không bến không bờ, mới thấy 12 đô la quả tình quá nhỏ bé cho kỳ quan có một không hai trên thế giới này.  


Cây cầu dài 37 cây số bắc qua eo biển Cheaspeake Bay.  Do cầu quá dài nên không thể làm cầu treo, người ta cho đóng trụ bê tông làm cầu gần mực nước biển.  Cảm giác chạy trên cầu vừa sợ sợ vừa thích thú.  Ta thấy mình như lái xe trên biển, sóng nước kề cận dưới chân, nhìn phiá trước không thấy đâu bến bờ, chạy hoài, chạy mãi vẫn chưa thấy qua hết cây cầu.  Đang chạy bổng nhiên thấy mình chui tụt vô hầm, rồi trồi lên giữa biển cả một cách lạ kỳ.


Vì không là cầu treo, để tàu lớn có thể qua lại eo biển, người ta cho làm 2 hòn đảo nhân tạo nhằm tạo  2 đường hầm mỗi bên dài 2 cây số để xe chạy dưới lòng biển và để tàu lớn có thể đi qua eo biển.  Cây cầu Cheaspeake Bay Bridge-Tunnel là một trong 7 kỳ quan kỹ thuật do con người tạo dựng (Seven Engineering Wonders of the Modern World).  Có lái xe qua cầu mới thấy được sức mạnh của con người.

...còn tiếp

Huyền Lam

Ngày 7 tháng 8 năm 2010

Tuesday, August 3, 2010

Về Miền Đông - Phần 1 - Boston

Đi nghĩ hè ba tuần về, làm biếng chi lạ.  Công việc ứ đọng, ngỗn ngang, nhìn phát ngán muốn đi tiếp...nếu có ai cho tiền.  Mấy người bạn bên nhà muốn tôi kể về chuyến đi, phần này tôi cũng lười nên mãi đến hôm nay.


Mỗi lần đáp hay cất cánh từ phi trường Boston, tôi luôn có một cảm giác rờn rợn.  Nơi đây, cách đây vài năm vào ngày 11 tháng 9, máy bay hành khách bị khống chế thành những qủa tên lửa khổng lồ lao vào các toà nhà...gây âm vang chấn động điạ cầu.   Bước ra khỏi sân ga, gặp bà con, bạn bè đến đón tràn ngập niềm vui, cảm giác ấy mới tan biến.


Người bà con tên Quang chở tôi về kể chuyện cộng  đồng người Việt chịu khó, chịu cực, ăn nên làm ra, nhất là trong lãnh vực ngành nail dù kinh tế Mỹ đi xuống.  Vợ Quang tốt nghiệp 4 năm đại học ngành quản trị kinh doanh nhưng thấy bạn bè, hàng xóm làm nail "hơn" hẵn làm chuyên gia nên bỏ ra làm nail...vài năm sau làm chủ một tiệm nail lớn ngay phố chính Boston.  Tiệm có tới 7 người thợ, trong đó vài người từ VN mới qua theo diện "du học", "du lịch".   Ở chơi vài hôm mới thấy cái "hơn" của ngành nail cũng có cái giá phải trả.  Vợ Quang làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6, 7 ngày một tuần.  Một buổi cơm ấm cúng đầy đủ vợ chồng con cái thật hiếm hoi, ngay cả khi tôi qua thăm, dù tạo được căn nhà sang trọng, rộng lớn.  


Boston là thành phố cổ có cảng biển, nơi khởi đầu cuộc đấu tranh thoát khỏi thuộc điạ Anh để trở thành quốc gia Hoa Kỳ độc lập.  Boston còn giữ được vài khu phố cổ như ở Hội An, có nhiều điểm lạ nhằm thu hút du khách, một số điểm bắt chước từ các nơi khác mà mấy năm trước đây khi tôi ghé thành phố này chưa thấy.  




Khu Quincy Market bán đủ loại đồ ăn, nơi đây bạn có thể gặp người hoá trang  (có lẽ bắt chước từ Waikiki - Hawaii).  Đây là nghề kiếm tiền khá dễ dàng.  Khách du lịch thấy lạ, đứng chụp hình..và không quên bỏ 1 đô la vào thùng đựng tiền.  






Có một người hoá trang làm thánh tiên tri, ai bỏ vào 1 đô la, ông ta cho 1 quẻ sâm.  Đứng nhìn ông chưa được 5 phút đã thấy ông kiếm không dưới 5 đô la, tôi bảo người bạn đi cùng: "kiểu này làm cái bang đi lang thang, tới đâu hoá trang tới đó như ông này chắc kiếm cũng khẩm tiền, vừa được đi chơi vừa có tiền xài..."


Lang thang ở khu phố cổ Boston đến trưa thì đói bụng, người bạn dẫn đến ăn tại quán ăn  Eat at Dick's có phong cách phục vụ lạ lùng.  Ở đây tiếp viên phục vụ khách theo kiểu "mất dạy" nhất thế giới.  Bước vào nhà hàng, họ trừng mắt nhìn mình như muốn ăn tươi nuốt sống và kéo mình đi tới bàn, ấn xuống cái ghế ngồi như công an bắt tội phạm ngồi xuống hỏi cung.  Khăn, giấy, muỗng nĩa, thực đơn được quăng tung toé trên bàn.  Có điều mỗi lẫn họ đối xử tệ bạc như thế thì ai cũng cười oà.  Khách du lịch đông như nấm, họ đến đây để được phục vụ "dã man, tàn nhẫn".  Trong khi ăn, tiếp viên sẽ làm mũ giấy đội lên đầu ghi những câu tức cười như: "Tôi hôn bồ bằng cùi tay",  "Tôi khoái móc mũi giữa chợ...", "Tôi chôm tình nhân của bạn" v.v...




Ăn xong, vào nhà vệ sinh truớc khi đi tiếp.  Phòng vệ sinh cửa khoá kín mít, đứng chờ một lâu không thấy ai chui ra, miệng tôi lầm bầm "cha nào làm gì lâu thế!".  Phút sau có người khác tới, hắn ta nhìn tôi với cặp mắt ngạc nhiên, rồi tới cửa phòng vệ sinh, nhét đồng tiền 25 xu vào ổ khoá, cửa mở.   Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy phòng vệ sinh xài tiền như thế.....






Ghé thăm hai trường đại học nổi tiếng thế giới Harvard và MIT.  Trường mang đậm nét cổ xưa.  Toà nhà cây cảnh hài hoà.  


Harvard ảnh hưởng của lối kiến trúc bằng gạch người Anh 




Trong khi đó MIT là trường chuyên về kỷ thuật lại có kiến trúc theo dạng Hy Lạp.  


Đang vào mùa hè, sân trường vắng vẻ.  Thỉnh thoảng từng đoàn tân sinh viên cho khoá học đầu tiên vào mùa thu tới đây được hướng dẫn viên dẫn đi giới thiệu về trường.  Người ngoại quốc không phải công dân Mỹ có mặt rất nhiều trong các phái đoàn này:  Người Hàn, người Trung Hoa, người Ấn, người Mễ, người Phi, người Thái....  là chất xám, là của qúy của quốc gia tốn bao công sức mới có được.  Họ đến đây phát huy thêm chất xám ấy và không ít người ở lại để làm giàu thêm cho đất nước Hoa Kỳ, một quốc gia tạo mọi điều kiện thu thập nhân tài.   Cuộc sống vốn nhiều khập khễnh, lắm lúc bất công cho số phận các nước thua kém.   Nhìn về VN tuy có nhiều mặt khiếm khuyết nhưng mười mấy năm qua, dẫu chảy máu chất xám, dẫu chịu nhiều thiệt thòi nhưng đất nước vẫn phát triển vững mạnh trong ổn định hoà bình... ghi nhận sự cảm phục là điều có thật!


...còn tiếp...


Huyền Lam  - Ngày 3 tháng 8 năm 2010