Saturday, December 24, 2011

Đêm nay hoà bình - nơi kia còn có hoà bình

Hôm 23 tháng 12 đi đón người bạn đồng nghiệp từ Iraq trở về Hoa Kỳ.  Đây là đơn vị cuối cùng rời khỏi Iraq theo lệnh rút quân của  tổng thống Obama giúp binh lính kịp sum họp gia đình trong mùa Noel.  Kent là  lính trừ bị văn phòng hỗ trợ kỹ thuật, chỉ  nhập ngũ khi cần thiết.  Tuy nhiên cuộc chiến Iraq kéo dài nhiều năm, thiếu hụt quân số cho mặt trận Afghanistan nên Kent thường bị  điều quân liên miên.

Đi đón Kent có Paul, Steve và tôi -  4 người làm chung một tổ đã nhiều năm.   Kent gặp chúng tôi, cười rạng rỡ, mắt bừng sáng:  - Xong rồi, kết thúc rồi (it’s all over!)

Rủ nhau vào quán bia microbrew, quây quần bên lò sưởi, chúng tôi chúc mừng Kent dù gởi đi Iraq nhiều lần nhưng vẫn bình an trở về.  Khi hỏi anh, ngày đơn vị rút đi, người dân Iraq có tới cám ơn, đưa tiễn?

Anh cười mỉa, buồn buồn trả lời: - Bên cạnh lật đổ chính quyền Sadam, chúng ta làm được điều gì ở Iraq để họ cám ơn? Đơn vị lặng lẽ rút đi trong đêm, ngay cả quân Iraq đóng gần đó cũng không biết trước, vì quân đội (Hoa Kỳ) sợ phiến quân phục kích dọc đường.  Chúng ta (quân đội Hoa Kỳ) âm thầm đến tấn công Iraq bằng những máy bay tàng hình và cũng rút lui âm thầm như những máy bay tàng hình.

Paul hỏi Kent:  - Tuyên chiến với Iraq mà đất nước chúng ta tiêu đi mấy ngàn mạng người (Hoa Kỳ),  mấy chục ngàn bị thương, một ngàn tỷ (USD) để được cái gì?

Kent: - để được một đất nước Iraq có hơn trăm ngàn người chết, chia năm, xẻ bảy, hạ tầng cơ sở tan tành, chém giết lẫn nhau, không biết bao giờ mới thôi chết chóc tang thương.

Steve:  - Trong thời gian bạn qua Iraq đợt cuối cùng, tiểu bang mình lâm vào khủng hoảng tài chánh.  Thống đốc đã 3 đợt cắt giảm ngân sách.  Sa thải nhiều công nhân viên, chấm dứt chương trình tài trợ bảo hiểm sức khoẻ cho 60 ngàn người nghèo (trong một tiểu bang vài triệu người).  Cắt giảm trợ cấp người già cùng nhiều chương trình giáo dục, giao thông, huấn nghệ khác.

Kent:  - Theo dõi tin tức mình có biết.  Không phải riêng tiểu bang mình mà toàn liên bang đều như thế.  Thống kê cho biết số người sống trong nghèo khó cao nhất từ xưa đến giờ!

Paul: - Ước chi ngày ấy Gore thắng Bush thì có lẽ chúng ta không chảy máu nhân lực và tài lực như thế. Tính theo lá phiếu thì Gore thắng Bush nhưng tại nước ta tuy dân chủ nhưng nhiều phiếu không có nghĩa luôn luôn thắng ( nhiều điểm của cử  tri đoàn mới thắng.)

Steve: - Không biết sau này chúng ta có thêm tổng thống nào huy động tấn công đất nước khác với lý do rất mù mờ không nhỉ?  Chắc lãnh đạo tương lai cũng học đuợc bài học Iraq.

Paul: - Cuộc chiến Vietnam còn khốc liệt khiếp đảm hơn nhiều lần.  Chúng ta hầu hết đều cho đó là một lỗi lầm vô cùng lớn, có nguy cơ làm khủng hoảng, tê liệt (Hoa Kỳ) nếu không giải quyết kịp thời.  Nhưng rồi lãnh đạo chúng ta có học thuộc bài?

Tôi:  - Chúng ta hãy nói chuyện hiện tại, mừng cho Kent  bình yên trở về, vài tuần nữa lại vào làm chung với chúng ta.  Hãy cùng chúc mừng (cheer)!

Mọi người:  cùng vui nào (cheer)!

Kent:  - Về lại nhà là hạnh phúc lắm các bạn à.  Tuy nhiên mấy ngày qua, trên đường trung chuyển, nghe tìn Baghdad đánh bom cảm tử 5, 6 vụ trong một ngày, tôi cảm thấy bất an ghê bạn ạ.  Chiến hữu tôi đứa hy sinh, đứa thương tật, đứa vợ chịu không nổi cô đơn lấy chồng khác, đứa tự sát...để được cái gì nhỉ?
.....


Không khí Noel tại thị trấn nhỏ miền cực bắc Hoa Kỳ thanh bình, vắng lặng.  Rời quán, đưa Kent về Tôi nhớ đến mang máng 2 câu nói của hai thánh nhân:

Đức Dalai Lama -Tây Tạng:  càng có quyền lực thì càng phải có tâm từ, nhất là quyền lực lãnh đạo một cường quốc.

Cựu tổng thống Nelson Mandela - Nam Phi:  Nếu chọn sai người lãnh đạo một cường quốc thì thật khổ cho nhân loại!

Đêm nay hoà bình - nhưng nhiều nơi kia nào có hoà bình. Xin nguyện cầu trái đất này sẽ có một ngày nơi nơi đều có hoà bình.

Huyền Lam
Đêm Noel - Giáng Sinh 24 tháng 12 năm 2012

Cách đây 4 năm có viết một bài về Kent:  http://huyenlamblog.blogspot.com/2007/05/anh-phi-tr-v.html

Wednesday, December 14, 2011

Ông Già Noel - 3 chìm 7 nổi

Ngày xửa ngày xưa bên Hy Lạp, trong lễ hội mừng năm mới , có ông già Noel cỡi nai tuần lộc đem quà đến cho trẻ em

Dạo ấy loài người chưa có súng, chưa biết nhậu khô nai, chưa tin vào nhung nai chữa được bá bịnh nên ông già Noel cỡi nai thoải mái


Oái ăm thay, loài người trở chứng, thứ gì cũng xơi được!  Ngay cả nai của ông già Noel cũng không tha, nên giờ đây ông già Noel cỡi nai chỉ còn trong cổ tích

Hết nai thì ông dùng ngựa để đem qùa đến cho trẻ em.  Nhưng rồi ngựa cũng bị đem vào trường đua cho người ta cá độ!
Không có ngựa ông bèn nhờ mấy con cún.  Nhưng cún cũng bị một số người nhiệt tình xử lý, mhất là trong mùa Noel nhân danh ông.
Không có phương tiện, ông đành đi xe đạp đem qùa cho trẻ em, rất thích hợp với thời bao cấp xa xưa và thời không gian xanh (green living)  bây giờ

Thời đổi mới, cuộc sống người dân khá hơn, ông cũng khá hơn nên  nâng cấp lên xài xe máy

Thời kinh tế thị trường, người ta chơi chứng khoán, ông cũng chơi.  Trúng mánh ông  tậu chiếc xế mui trần đi phát qùa cho thoải mái.
Ăn nên làm ra như  Bill Gate của Mỹ hay bầu Đức ở VN, ông còn sắm chuyên cơ đi phát quà
Thậm chí khi máy bay bị sự cố, ông không ngại ngùng bung cánh dù  lượn khắp không gian  để phát quà.
Đối với vùng hải đảo như hòn mun, hòn se sẻ, hòn tằm...ông không ngại dùng jet ski  cỡi như bay  đem qùa cho thiếu nhi


Gặp lúc lụt lội thiên tai, ông xài luôn cả phao thuyền

Khi thất nghiệp hết tiền đổ xăng, ông sẵn sàng lao động để xin xăng

Lúc thua lỗ chứng khoán hay vỡ tín dụng đen mất hết tài sản,  ông cũng đi ăn xin như bao người

Nhiệm vụ ông hằng năm bên cạnh cho quà là ngồi cho trẻ em chụp hình.  Mỗi ngày không biết bao đưá nhìn ông cứ tưởng là ông kẹ, khóc ré lên khiến ông cũng tủi thân mà khóc 
Tuy nhiên cũng có hàng triệu đứa thương ông vô cùng, hôn ông rối rít.  Hôn nhiều vô kể đến nỗi ông lãnh cảm!
Thế nhưng khi có cô gái trẻ đẹp hôn, như có điện xẹt, tim ông bừng sáng, đập loạn cào cào, tràn đầy nhựa sống.  Hiện tượng này dân gian thường gọi là:   già mà vẫn còn ....... chất đàn ông!  hehehe
Ông già Noel là nhân vật không có trong sách vỡ tôn giáo nào, được hội nhập khắp mọi nơi.  Tháng 12, tết Tây là tháng đầy tính tôn giáo, nhân văn trên toàn thế giới.  Đối với các bạn Thiên Chúa Giáo đây là tháng linh thiêng chuá Jesus ra đời.  Đối với người Phật tử thì trong thời gian này theo âm lịch thường rơi vào ngày lễ khánh đản Phật A Di Đà và Phật Thích Ca thành đạo là 2 trong bốn ngày lễ lớn của Phật Giáo.   Trong khuôn khổ mùa linh thiêng cho mọi người, xin thân thương kính chúc bạn hữu một không gian an lành đầy tình yêu thương đạo vị.  

Huyền Lam
Ngày 14-12-2011


Năm ngoái Huyền Lam có đăng một ấn bản ông già Noel khác - bạn nào muốn đọc, click vào link này:
http://huyenlamblog.blogspot.com/2010/12/mot-ngan-le-mot-ong-gia-noel.html



Thursday, December 8, 2011

Nhớ mùa đông năm xưa

Mỗi độ đông về, khi sương mai đóng băng óng ánh trên mái nhà, ngọn cỏ, hoặc khi những hoa tuyết bắt đầu rơi, tôi lại nhớ, lại thèm tháng ngày trai trẻ - một thân, một mình đi cắm trại ngủ đêm trên triền núi cao giữa mùa đông lạnh giá.

Cách đây hơn hai mươi năm, ra trường tôi đi làm cho trung tâm quản lý vườn quốc gia, có nhiệm vụ  thiết kế phần mềm để bảo quản vật tư và tài nguyên thiên nhiên.  Dạo ấy chưa có hệ thống mạng như internet, nên tôi lái xe đi đến từng công viên đề cài đặt, huấn luyện sử dụng trang thiết bị.  Tôi rất thích thú với công việc mình làm vì được thăm viếng nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.  

Ở mỗi vườn quốc gia đều có nhà khách cho chuyên gia lưu lại, nhưng tôi lúc nào cũng thích kiếm nơi đẹp nhất cắm lều ngủ qua đêm.  Mỗi mùa cho cảm giác thích thú riêng.  Mùa xuân hoa rừng nở rộ, mùa hè cây cối rực nắng, thu về lá chuyển màu vàng đỏ núi đồi. Nhưng đối với tôi, ấn tượng hơn hết thảy vẫn là mùa đông.

Đi cắm trại mùa đông phức tạp hơn những mùa khác, do trang thiết bị mang theo phải chịu được nhiệt độ -10, -15C.  Thường thì tôi hay chọn trên triền đồi kín gió để được nhìn xuống thung lũng nhuộm màu trắng xoá, hay bên bìa rừng nhìn ra cánh đồng tuyết bao la bất tận.

Đốt bếp lửa nho nhỏ, nấu một bình trà, ngồi nhìn không gian lặng thinh, tinh khiết trắng lạ lùng ấy, giữa bầu trời lạnh lẽo không có ai,  nổi cô đơn trong tận cùng từ từ len lõi vào tim, chợt thấy mình hoà nhập thiên nhiên.  Từng cơn sóng cảm xúc nhẹ nhàng lan toả châu thân, từng đợt, từng đợt nhấn chìm ta trong nổi thích thú bàng hoàng.



Huyền Lam
Lập Đông - Ngày 8-12-2011

Một số trang thiết bị cơ bản cho cắm trại mùa đông
Nệm hơi - cách nhiệt


Túi ngủ

Bếp ga nhỏ
Xẻng xếp



Tuesday, November 29, 2011

Trong Bùn Gì Đẹp Bằng Sen

Năm 1991, trong chuyến về VN đầu tiên, tôi đi xe lửa từ Sài Gòn ra Huế thăm quê nội ngoại.  Dạo ấy xe lửa hình như không có máy lạnh, tất cả cửa sổ trên toa đều mở cho mát.  Trẻ em nhà quê trên tuyến đường sắt thường chọi đá lên toa nên cửa sổ có gắn thêm lưới sắt để đá khỏi bay vào gây thương tích cho hành khách.  Gân chỗ tôi có sư cô ngồi song song bên kia hành lang, sát cửa sổ.  Sư cô trẻ, nét thanh tao, hiền dịu,  hành khách xung quanh thường hay trò chuyện.  

Tàu lửa chạy êm đềm ngon trớn, qua các cánh đồng mạ xanh rì, bỗng một tiếng phịt bay vào khung cửa sắt văng tung toé trên người sư cô, mùi hôi thối toả ra nồng nặc.  Thì ra mấy đứa trẻ cho phân vào bao ni lông ném lên.   Một số hành khách ngồi gần cũng dính lây chút ít, nhưng cô là người lãnh trọn.   Lúc xảy ra sự việc, sư cô hốt hoảng chút xíu, nhưng ngay sau đó điềm tỉnh trở lại, tuyệt nhiên cô không hề một lời trách móc dù bà con chung quanh ồn ào mắng mỏ "lủ nhóc liệng phân ấy!"

Thời bao cấp sư-cô chẵng có thêm chiếc áo phòng thân, tàu lửa cũng chẳng có nơi rửa ráy. Còn gần trăm cây số tàu thống nhất mới dừng ở ga lớn.    Hành khách động lòng đưa cô vài chiếc khăn cũ lau tạm, xức thêm dầu cù là, dầu khuynh diệp mong át đi mùi hôi thối.  Tuy nhiên những thứ mùi trộn lại ấy, tạo nên mùi hôi rất khó chịu làm người ngồi gần bực bội!

Đón nhận sự giúp đỡ của bá tánh, giọng nói cô nhẹ nhàng khuyên bà con đừng quá quan tâm:

-Mấy đứa bé chăn trâu, nhiều khi không có ai hướng dẫn.  Biết đâu xe lửa cán chết con bò con trâu của các em!


Ngấm nhìn sư cô khuôn mặt hiền lành tươi mát, chẵng bao lâu, những khuôn mặt bực bội, tức giận xung quanh từ từ thư giản, hiền hoà trở lại.  Họ cầm tay cô, xoa xoa, gần gũi còn hơn trước khi xảy ra sự việc.

Khi tàu vào ga Nha Trang,  có 3, 4 chị chia nhau hộ tống sư cô xuống dưới ga kiếm chỗ tắm rửa.  Khi tàu kéo còi báo hiệu rời bến, sư cô theo mấy chị trở lại toa tàu.  Hành khách ngỡ ngàng, cười rộn rã  khi thấy trên người cô đắp y tạm bằng vải màu hồng do một hành khách buôn vải trên tàu cúng đường.


Suốt chuyến hành trình còn lại, không khí trên toa tàu vui hẵn lên.  Mấy chị, mấy cô nửa đùa nửa thật, khen tới khen lui:  "Sư cô đắp y màu hồng dễ thương quá sư cô ơi!"

Sư cô vẫn nhẹ nhàng, cười hiền dịu:  -Nếu không có mấy em chăn trâu thì đâu có biết bà con mình dễ thương như ri.

Cụ già nhai trầu tỏm tẻm, nghe thế cười to, giọng rổn rảng:  -Không có mấy thằng cu chăn trâu thì đâu có biết ni cô dễ thương giống bà tiên như ri.

Huyền Lam

Hạt sương Bát Nhã nương vào tâm kinh


Ngày 29-11-2011





Tuesday, November 22, 2011

Gà Lôi Tofu

Ngày lễ  Thanksgiving (tạ ơn) Hoa Kỳ vốn xuất xứ từ lễ hội mùa màng Âu Châu, được di dân đầu tiên đem tới miền đất mới, hoà quyện thêm phần ẩm thực do thổ dân da đỏ ban tặng. Đây là ngày lễ lớn trong năm, hầu hết công sở được nghĩ  làm 2 ngày, trong khi đó lễ Noel hoặc Tết Tây chỉ được nghỉ 1 ngày.   

Mỗi năm đến ngày lễ Thanksgiving, khoảng 65 triệu con gà lôi (turkey) lên đoạn đầu đài để làm bữa ăn chính cho hầu hết mọi gia đình.   Thật tội nghiệp cho giống gà lôi vốn không tội tình gì, trở thành biểu tượng chính cho ngày Thanksgiving.  Loài người còn vẽ không biết bao hình con gà lôi cười khoái chí để tăng thêm niềm vui cho ngày lễ hội.  Ngay cả Google.Com khu vực Bắc Mỹ, hình con gà lôi nhí nhảnh được thay thế chữ google kể từ ngày 22 dù rằng đến ngày 24 mới là lễ chính thức.  

Google.Com ngày 22/11/2011


Tuy nhiên khoảng mươi năm gần đây, con số người Hoa Kỳ ăn chay ngày càng tăng, dù rằng họ chỉ là thiểu số nhỏ.  Vào bất cứ siêu thị nào ta cũng thấy có bán tofu (đậu phụ) burger, hay những sản phẩm bằng tofu cho người ăn chay.  Ngày Thanksgiving cũng không nằm ngoại lệ, nhiều công ty làm gà lôi bằng tofu muôn màu muôn vẽ nhằm đáp ứng cho thành phần chay tịnh này.  Trong các sản phẩm, có lẽ sản phẩm gà lôi tofu của công ty người Việt Vinh-Loi tại Cali là nhìn hấp dẫn hơn cả.  Công ty này có cả một website giới thiệu gà lôi chay.

Nếu mọi người chỉ ăn gà lôi tofu thì nó mới thật sự cười như những hình ảnh gán ép oan uổng bấy lâu nay :)

Tofu Turkey (gà lôi đậu phụ) ghép chữ thành Tofurky

Một sản phẩm gà lôi đậu phụ (không có chất hoá học)

Sản phẩm của công ty Tofu Vinh-Loi của người Việt tại Cali


Sản phẩm gà lội đậu phụ của công ty người Việt, sau khi được cắt lát
Bên Lề:
Bài viết được post vào trong mạng xã hội và nhận rất nhiều ý kiến, xin được viết thêm đôi dòng:   Có người bảo rằng: đã ăn chay rồi còn giả cho giống thì tâm thật sự không chay. Vì gà lôi là biểu tượng chính không thể thiếu trong bữa ăn ngày Thanksgiving nên những sản phẩm này rất thích hợp cho người Hoa Kỳ.  Nhiều người ăn chay vì bảo vệ sức khoẻ, yêu thương loài vật chứ không ràng buộc tôn giáo.  Ở môi trường chùa chiền thì dĩ nhiên không ai đem những hình thể phản cảm này ra.  Tuy nhiên trong môi trường gia đình, những người ăn chay là những người đáng khen dù họ có giả này giả kia.  Bởi chính sự chiến thắng cám dỗ bản thân ăn mặn đã là một nổ lực lớn.  Bài viết xin được giới hạn trong phạm vi con gà lôi:  làm sao nó vẫn còn là một biểu tượng không thể thiếu trong ngày Thanksgiving tại Hoa Kỳ, đồng thời nó cười thật sự thay vì gán ép oan uổng nó bấy lâu này.  Chúc các bạn một mùa Thanksgiving đầy tình thương.

Một số website nói về Vinh Loi Tofu Turkey

Huyền Lam
Thanksgiving 11-2011

Saturday, November 19, 2011

Đức Phật Xuống Thăm



Một ngày Đức Phật xuống thăm

Thế gian đủ mặt, sắc màu khác nhau

Mỉm cười Phật nói một câu:

Hãy tu tâm tánh, tu cầu ít thôi.


Huyền Lam

Cuối thu 11-2011



Friday, November 11, 2011

Số Một

Nhân ngày đặc biệt 11/11/11, một số em bé sinh ra đời. Tôi thử tưởng tượng một em bé sinh ra vào ngày này thì sẽ ra sao?


Ngày sinh nó, mọi người trầm trồ khen ba mẹ sinh đứa con vào ngày hoàng đạo 11/11/11.  Đang còn đỏ hỏn, bà con, bạn bè nghe tin kéo đến thăm chúc mừng gia đình:  

- Thằng cu sinh toàn số 1 đâu?  Ui dễ thương quá, cu số 1 cưng quá!

Cũng từ đó con số 1 được nhắc đến nhiều hơn tên thiệt.   Bạ mẹ nhân sự trùng hợp này,  bày tỏ tình thương yêu không bờ bến cho đứa con trai đầu lòng:  

-Số Một ơi!  bú thêm chút nữa đi con.  
-Hôm nay Số Một sao thế!  
-Anh ơi, Số Một biết cười rồi!  dễ ghét quá.
-Í em ơi! lấy cái khăn nhanh lên! Số Một  tè ướt áo anh rồi!

Trải qua ba mùa sinh nhật,  khi thấy ba mẹ vẽ mấy con số giống nhau trên chiếc bánh kem, nó cũng biết đại khái rằng mình được mọi người gọi Số Một vì có ngày tháng năm sinh toàn mấy cái cây mà người ta gọi là số một.

Một hôm có người bạn ba nó đến bàn chuyện làm ăn.  khi  tiễn khách xong, ba nói với mẹ: Em đừng lo......anh ấy là số một!

Nó nghe thoáng được, rất ngạc nhiên, thắc mắc.  - Bác ấy ngày sinh giống con nhưng sao bác ấy già thế!

Đến tuổi lên cấp 1, bạn bè trong xóm học cùng trường, theo thói quen tiếp tục gọi nó Số Một. Cả trường thích thú khi biết có đứa học trò như thế. Những lúc đếm số để chơi trò như giựt cờ, bạn bè bảo:

- Số Một ơi!  mày là số bốn nghe chưa?  Nghe thằng Khanh kêu là chạy ào lên không thôi phe kia nó giựt đấy!

Dù cố gắng nhưng đã ăn sâu trong tiềm thức, hễ nghe số một là nó chạy ào lên làm bạn bè cười rủ rượi.  Để chữa cái bịnh nhớ lộn, bạn bè uyển chuyển xắp xếp:

-Thằng Số Một chơi,  để hắn mang số một cho khỏi lộn.  
-Số Một! mày là số một nghe chưa!, đừng để thua nhé!

Nó chăm chỉ học hành, khéo tay, tháo vác, hay giúp đỡ bạn bè.  Mỗi lần làm bài kiểm tra được điểm cao hay những khi làm giùm cho bạn một vài việc, bạn bè thường khen nó: - Số Một ơi, mày giỏi quá, tài quá.  Mày đúng là số một!

-Ừa, tau từ xưa đến giờ là số một mà. Ai cũng gọi thế mà!

Thế nhưng đôi khi sơ ý nó làm sai những chuyện khác, hoặc thi đua thể thao không giỏi, bạn bè lại thốt lên:  -Số Một ơi, mày hết số một rồi!

-Hết là số một? Sao chúng mày cứ gọi tau là số một.

Ngày qua ngày  từ cậu bé thành thanh niên, đến tuổi biết yêu.  Mỗi lần làm thơ, tặng quà cho bạn gái anh thường được nàng cảm động, ngọt ngào, thỏ thẻ:

-Anh là số một của trái tim em, em yêu anh quá, anh số một ơi!

Có hôm kẹt xe vì triều cường, tai nạn, hố voi, hố bò, anh trễ hẹn làm người yêu chờ hơi lâu, từ xa xa anh nghe tiếng rin rít, giọng hơi cao, hơi mạnh:  Anh Số Một!  

Những lúc ấy anh ước chi mình không là Số Một.

Theo thời gian, từ anh thành bác, thành ông Số Một.  Đã sinh ra trong ngày như thế, ông Số Một cố gắng được ra đi giống ngày như thế.  Ông ăn uống tránh thịt mỡ, tập thể dục, tập khí công, tập thiền đến mức độ thượng thừa, có thể kiểm soát nguồn năng lực của mình.  Nửa tháng trước ngày ông ra đi, ông ngừng ăn,  chỉ uống ít nước rồi nằm thiền, nhập định.  Đúng ngày 11 tháng 11 năm 2111, bên mấy đứa cháu nội ngoại đứng quanh giường, ông mỉm cười trút hơi thở cuối cùng, thọ một trăm một tuổi.

Ngày đưa ông đi, không một người đau buồn.  Con cháu, họ hàng mừng ông đã đạt được điều mong ước.  Mọi người hân hoan hãnh  diện nói về ông:  

-Ông cụ hay ghê vậy đó, sinh ngày 11 tháng 11 năm 11, ra đi cũng ngày 11 tháng 11 năm 11.  Toàn là con số 1. Trên thế gian chỉ có mình ông.

Huyền Lam
Mùa những chiếc lá rơi cuối cùng - Ngày 11/11/11

Saturday, October 29, 2011

Vài đoạn phim tưởng niệm tê giác trong ngày bị tuyệt chủng

Ngày thế giới chính thức tuyên bố tê giác Việt Nam hoàn toàn bị tuyệt chủng,  sau sự kiện con tê giác cuối cùng bị bắn chết tại vườn quốc gia Cát Tiên,  một số tổ chức và cá nhân đã làm phim tưởng niệm đến loài tê giác VN.  

Đoạn phim 8 phút của tổ chức Bảo Vê Động Vật Hoang Dã Thế Giới, được xem là công phu, xúc động nhất, tổng quát 20 năm  nổ lực cứu loài tê giác Việt Nam:



Đoạn phim 2 phút của một cá nhân người ngoại quốc bày tỏ cảm xúc khi giã từ tê giác VN.  Phim mang tựa đề: Viên đạn cuối cùng - giã từ tê giác VN (Last Shot - Goobbye Vietnamese Javan Rhino)



Đoạn phim 2 phút  tuyệt vọng của tổ chức bảo vệ tê giác VN về sự kiện tuyệt chủng:



Đoạn phim 3 phút ghi lại Người ngoại quốc biểu tình chống VN săn bắn,  buôn lậu tê giác.  Cuộc biểu tình xảy ra tại đại sứ quán VN-Nam Phi vào ngày "Tê Giác Thế Giới" 22 tháng 9 năm 2011


Ngoài ra hầu hết tất cả các hãng truyên thông quốc gia trên thế giới đều xử  dụng đoạn phim 2 phút của AP và Reuter để loan tin tê giác VN bị bắn chết tuyệt chủng, đoạn phim của BBC cũng xuất xứ từ nguồn gốc này:



Hình ảnh VN trên thế giới hiện tại và tương lai ra sao thì tùy vào sự lựa chọn cách sống, lối tư duy của mỗi người dân Việt.

Huyền Lam
Ngày 29-10-2011

Thursday, October 27, 2011

Một mai loài thú có còn không?

Bản tin loài  tê giác một sừng Việt Nam thuộc chủng loại Javan-Anamite  hoàn toàn tuyệt chủng đã làm nhiều người  cay đắng, đau lòng rơi nước mắt:   Họ là mấy trăm chuyên viên trong hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu (WWF) hy sinh công sức, khí tài trong 20 năm qua, giúp VN bảo vệ loài tê giác.  Họ là những nhân viên tận tụy tại vườn quốc gia Cát Tiên ngày đêm canh gác nhưng bất lực trước lòng tham con người.  

Năm 1988 các chuyên gia động vật học VN tình cờ gặp được bộ da tê giác được đem bán ở chợ nhỏ ven rừng Đồng Nai.  Sự kiện này đã mở đầu cho việc hợp tác, khảo sát sâu rộng giữa WWF và VN truy tìm  loài tê giác Javan-Anamite tưởng đã tuyệt chủng tại lục điạ châu Á..   Đến năm 1989, từ dấu chân, bãi phân, nhóm nghiên cứu kết luận VN còn được 12-16 con tê giác trong vùng Cát Tiên thuộc chiến khu D ngày trước.  Đây là con số vàng đối với người quan tâm đến bảo tồn động vật hoang dã.  Với con số này, các chuyên gia hoàn toàn tin tưởng bầy đàn tê giác sẽ sinh sôi nảy nở đông hơn, chỉ trong vòng 10, 20 năm VN sẽ có 30 đến 50  tê giác.  Chính quyền VN phấn chấn trước kết quả của đoàn nghiên cứu đã khoanh vùng lập nên vườn quốc gia Cát Tiên nhằm bảo vệ loài động vật qúy hiếm nhất thế giới này. Ngay cả phù hiệu (logo) vườn quốc gia Cát Tiên cũng dùng hình ảnh tê giác làm biểu trưng để bày tỏ lòng tin tưởng tuyệt đối thành công trong công tác bảo vệ, phát triển bầy đàn.  

Oái ăm  thay khi địa điểm tê giác sinh sống được cả nước vui mừng xác nhận cũng là lúc những con người muốn thay đổi cuộc đời bằng đường tắt, kéo bè, kéo lũ  tìm về săn cái sừng qúy hơn vàng ấy.  Nếu trước đây chỉ có một vài đồng bào dân tộc tình cờ gặp tê giác, người dân quanh khu vực hoàn toàn không  biết gì thì ngày nay cả nước đều biết... Bầy đàn tê giác thay vì được phát triển đã hao hụt thảm hại:  năm 1989 có 12-16 con,  1998: còn 5-8 con;   2004: còn 3-5 con, 2010: còn 1 con và bị bắn chết, 2011: xác nhận không còn dấu tích tê giác.

Người VN không những săn tê giác trong vườn nhà, còn săn tê giác trong vườn người, nơi xứ sở Phi Châu xa xôi.  Trong mấy năm qua, báo chí nước ngoài đã rùm beng nói đến các đường giây buôn lậu, bắn lậu tê giác tại Phi Châu do người VN cầm đầu.  Không ít người VN nằm tù, mới đây nhất là ngày 24 tháng 8-2011 vừa qua , 2 người VN bị tù 12 năm tại quốc gia Nam Phi (link).   

Ngày Hiệp Hội Bảo Vệ Động Vật Hoang Dã Toàn Cầu  WWF chính thức tuyên bố Tê Giác VN tuyệt chủng, tất cả các hãng truyền thông lớn trên thế giới đều loan tin ảm đạm,ngán ngẩm về một viễn tượng VN sẽ còn tiếp tục tuyệt chủng nhiều con khác nếu không có phép lạ thay đổi tư duy cho dân tộc vốn tự hào cho mình có 4000 năm văn hiến.

Chúng ta có thể đổ lỗi vì dân ta nghèo, một cái sừng tê giác 50 ngàn USD có thể thay đổi cuộc đời.  Tuy nhiên ở Nepal, Ấn Độ, người dân ở đấy còn nghèo hơn cả VN nhưng tê giác vẫn được phát triển, bảo vệ bởi những nông dân nghèo nàn.  Họ nghèo nhưng ý thức được vốn qúy quốc gia, niềm tự hào đất nước, nếu mất đi con cháu họ sẽ không bao giờ thấy được.

Nguyên nhân chính yếu gây ra nạn diệt chủng các loài thú qúy hiếm không ai khác hơn những người lắm tiền nhiều của.  Tuy nhiên không phải chỉ những đại gia cần thay đổi tư duy mà chính người dân thường cũng phải thay đổi để tránh những động vật hiện không khan hiếm sẽ trở nên hiếm hoi trở thành diệt chủng.  Các tiệm nhậu bán thịt rừng phải được dẹp ngoài trừ chứng minh được nuôi tại trang trại.  Sừng tê, ngà voi, cao hổ cốt phải được coi như thuốc phiện, phạt nặng nề như ở phương Tây.  

Không phải chỉ nguồn thú rừng cần được bảo vệ, nguồn hải sản thiên nhiên  cũng phải được bảo vệ trước khi cạn kiệt hoàn toàn.  Ở đây tôi xin đơn cử chính sách bảo vệ của một tiểu bang Hoa Kỳ:

  • Cá, tôm cua chỉ được đánh theo mùa.  Mùa cá đẻ không được đánh bắt.  Tùy loại hải sản, có  loại chỉ cho đánh bắt vài tuần.
  • Bắt cứ người câu cá nào cũng phải mua giấy phép.  Giấy phép câu cá nước mặn khác với nước ngọt.  Tùy loại cá, có loại chỉ cho 1, 2 con.
  • Nghêu sò, hào, cua nhiều vô số kể nhưng cũng chỉ bắt được vài tháng một năm và cũng phải có giấy phép.  Nghêu sò lọt qua vòng tròn kích thước sẽ không được bắt, mỗi lần bắt mỗi người không quá 24 con.  Cua mái phải thả, cua đực kích thước mai cua phải dài bằng tờ tiền giấy usd, nhỏ hơn phải thả.   Mỗi lần bắt chỉ được 6 con.
  • Chính sách săn bắt thú rừng lại còn khắt nghiệt hơn dù nai, hoẵng nhiều vô kể.
  • Vi phạm luật sẽ bị xử phạt nặng nề.  Một con cua đáng giá 5usd nhưng sai phạm sẽ bị phạt cả 50usd và không hề có chuyện “thông cảm”.
  • (Đây là chính sách cho người dân, còn những người sống bằng nghề đánh cá thì số lượng nhiều hơn nhưng kích cỡ, đực cái, mùa đánh cũng giống nhau)
Người Hoa Kỳ rất vui vẻ chấp hành luật lệ, người phạm luật thường là những người mới đến định cư không am tường, hoặc tưởng rằng có thể lách luật, “thông cảm” như chốn cố hương.  

VN không quá khó tạo ra được chính sách bảo vệ như trên.  Tuy nhiên thành công hay không tùy thuộc ý thức của người dân:  Nhân viên thi hành không ăn hối lộ khi xử phạt, người dân không đụng đâu bắt đó, nhỏ lớn, đực cái không tha.

Hy vọng một ngày nào đó những tin tức kiểu bắn chết mấy con vọc qúy,  trộm nghêu lên tới 5, 6 ngàn người như tháng 9 vừa qua sẽ không còn.   Nếu không  VN tương lai chỉ còn động vật trong trang trại, trong chuồng.  Cảnh nai thỏ đi lang thang trên đồng cỏ sẽ như chuyện thần tiên trên đất nước xinh đẹp này.

Một vài bức ảnh qúy hiếm của loài tê giác VN  một sừng Javan-Annamite chụp tại vườn quốc gia Cát Tiên

Một vài bức ảnh qúy hiếm của loài tê giác VN  một sừng Javan-Annamite chụp tại vườn quốc gia Cát Tiên
Người từ phương xa hy sinh tiện nghi, thời gian, công sức đem cả chó đặc nhiệm  về nằm tại Cát Tiên cả nửa năm trời  để bảo vệ Tê Giác VN.


Người từ phương xa hy sinh tiện nghi, thời gian, công sức đem cả chó đặc nhiệm về nằm tại Cát Tiên cả nửa năm trời  để bảo vệ Tê Giác VN.
Người đẹp từ phương ta bò qua tận Phi Châu săn tê giác và đối mặt với vòng lao lý:
http://bushwarriors.wordpress.com/2011/02/14/five-major-rhino-headlines-in-one-week/

Huyền Lam
Mùa thu Ngày 27-10-2011

Wednesday, October 5, 2011

Steve Jobs - Cây Bonsai Trong Vườn Thiền

“Làm người giàu nhất nằm trong nghĩa trang không làm tôi quan tâm.  Mỗi đêm lên giường, hạnh phúc nói rằng:  chúng ta đã làm được những điều tuyệt vời là điều tôi quan tâm”  - Steve Jobs

Hầu hết mọi người trên thế giới đều biết Steve Jobs như một thiên tài trong lãnh vực công nghệ điện tử, một nhà kinh doanh tài ba nhất thế kỷ, một nhà thiết kế sản phẩm độc đáo.  Tuy nhiên ít người biết ông là Phật tử hành trì giáo lý nhà Phật, ăn chay trường. 

Ông tìm đến con đường tâm linh lúc còn rất trẻ, vừa chớm tuổi 20.  Những năm đầu tiên tại đại học, ông đam mê tìm tòi tôn giáo phương Đông.  Vào năm 1974 ông cùng vài bạn sinh viên  hành hương xứ Ấn Độ để tìm gặp đạo sư Neem Karoli Baba.  Tuy nhiên khi đến nơi, vị đạo sư đã qua đời  nhưng  không làm ông nản chí.  Ông trở lại Hoa Kỳ trong tấm y choàng đơn giản với đầu cạo trọc như một tu sĩ Phật Giáo.  Những năm tháng sau, dù làm việc trong lãnh vực  điện tử, hằng ngày ông vẫn đến thiền đường Los Altos dưới sự hướng dẫn của thiền sư Nhật Bản Kobun Chino Otogawa.   Thiền sư cũng là người chủ trì lễ cưới cho ông vào năm 1991.  Nhờ những năm tháng tu học ở đây, ông thâm nhập được tư tưởng tánh không - thiền Phật Giáo:  đơn giản nhưng sắc sảo, mềm mại nhưng vững chãi, vắng lặng nhưng thâm thẩm...

Nhà nghiên cứu, chiến lược gia sản phẩm tiêu dùng - Jeff Yang khẳng định:   “Chìa khoá thành công của Apple là do Steve Jobs đã ứng dụng những điều căn bản của thiền Phật Giáo vào sản phẩm. Ông biết sử dụng đến sức mạnh tánh không để làm nên những sản phẩm cực kỳ đơn giản”

Cầm sản phẩm nào của Apple, chúng ta đều cảm nhận được sự tinh tế lạ kỳ.  Cảm giác ấy không khác chi khi chúng ta bước vào khu vườn thiền Nhật Bản hoặc ngắm nhìn những cây bonsai, hòn non bộ đưọc các thiền sư tạo tác. 

Cuộc sống Steve Jobs khá đạm bạc  từ cách ăn mặc cho đến nhà cửa.  Chủ tịch tập đoàn Apple có lần đến nhà ông đã ngạc nhiên khi thấy hầu như trống rỗng, đơn giản như một thiền đường.  Tuy là người thực hành giáo lý nhà Phật, ăn chay trường nhưng ông không bao giờ nói đến tôn giáo trước công chúng.  Chưa một ai nghe ông:  Cám ơn Phật đã cho tôi cái này hay Phật ban ơn lành cho tôi cái kia.  Vấn đề tâm linh ông âm thầm sinh hoạt riêng  trong gia đình. 

Tuy nhiên những bài diễn thuyết của ông về đề tài nhân văn lại bàng bạc triết lý sống Phật Giáo.  Như khi nói đến vấn đề chết, ông cho rằng:  Chết là tạo vật tuyệt vời nhất cho sự sống  mới vươn lên....Ý  thức mình trước sau gì cũng chết trần như nhộng (không đem theo được gì) giúp chúng ta không sợ hãi mất mát các thứ huyễn hoặc để làm những việc quan trọng hơn.    Thấp thoáng  ta thấy âm hưởng Bát Nhã Tâm Kinh, hình ảnh của Đấng Tự Tại Bồ Tát.

Có lần trong bài diễn thuyết với sinh viên trường nổi tiếng Standford, ông nói:  “Các bạn đừng mắc kẹt trong giáo điều, vì đó là tư duy của người khác.  Đừng để tư tưởng của người khác dù là đám đông nhận chìm đi tư tưởng trong nội tâm của mình.  Quan trọng nhất là  các bạn theo trực giác và điều bạn cảm nhận trong tâm”   Ở đây ta thấy chẳng khác chi bài học vỡ lòng Phật Thích Ca dạy cho đệ tử mình:  Đừng tin những gì người ta nói,  dù nhiều người đã nói, ngay cả lời của ta.... phải tự thực chứng....

Đã làm người ai cũng có lỗi lầm.  Steve Jobs cũng thế!  Tuy nhiên ông không hề dấu diếm.  Ông công khai xác nhận và sám hối bằng hành động thiết thực.  Ông dùng hầu hết  năng lực của mình để tạo ra sản phẩm lợi ích cho người tiêu dùng và các chương trình thiện nguyện (dù rất âm thầm).

Ông ra đi trong tiếc thương vô vàn.  Tuy nhiên đóng góp cao qúy của ông cho nhân loại vẫn mãi mãi còn.  Triết lý nhân sinh,  lối sống của ông chắc chắn được tái sinh qua nhiều người mến mộ.  Ánh tia sét lià trời đã chợt tắt nhưng âm ba vang vọng của sấm gầm  rung chuyển mười phương thế giới. 

Huyền Lam
Ngày Steve Jobs về chốn hư không


Friday, September 16, 2011

Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Tý và Dư Âm Tuổi Già

Tôi ghé thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào buổi chiều cùng ngày trước khi trở lại Hoa Kỳ.  Đối với hầu hết người Việt tại hải ngoại, họ chỉ nghe đến tên ông qua tuyệt phẩm Dư Âm. Họ không biết ông có những tác phẩm khác.

Riêng tôi, nhiều năm về trước muốn biết tác giả Người Đi Xây Hồ Kẻ Gỗ, Một Khúc Tâm Tình..., Dáng Đứng Bến Tre.   Không ngờ ông cũng chính là tác giả Dư Âm!   

Lần đầu biết đến nhạc của ông, giữa đêm khuya trên sân vườn hoang vắng, người bạn hát bài Kẻ Gỗ.  Ba chúng tôi đứa bắc, đứa nam, đứa trung.  Cả ba là dân vượt biên lại xúc động cực cùng trước lời ca nặng âm hưởng Nghệ Tĩnh.   Chúng tôi ngưỡng mộ người nhạc sĩ tải được giọng điạ phương vào nốt nhạc của mình. Lời ca, lời nhạc thắm đượm tuổi trẻ, tình người dành cho quê hương.

Tôi tới thăm ông, không hẹn trước để biết cuộc sống thường nhật như thế nào.  Trong căn nhà nhỏ 94/19 Trần Khắc Chân, Q1, HCM, cuộc sống ông rất khó khăn nghèo nàn.  Ông đã trải qua hai cơn tai biến, đi đứng cần có dụng cụ hỗ trợ.  Đã trên 80, tai ông không còn nghe rõ âm thanh nên không còn sáng tác, tuy nhiên giọng nói ông vẫn còn trầm mạnh, trí tuệ minh mẫn.  

Trong suốt hơn một giờ chuyện trò cùng ông, qua nhiều đề tài, điều làm tôi buồn chính là vấn đề tác quyền mà các trung tâm nhạc hải ngoại không đoái hoài  tới.  Những trung tâm lớn như Thúy Nga, Asia đã xử dụng nhạc của ông rất nhiều trong mấy mươi năm qua.  Nhất là cuốn Asia 55, bên cạnh hát nhạc còn đăng cả phóng vấn, hiệu đính theo chủ trương chính trị của họ.  Thế nhưng theo lời ông:  các trung tâm này chẳng đoái hoài đến ông.

Tôi thật sự không hiểu các trung tâm tại hải ngoại chi tiền triệu usd để sản xuất những chương trình vĩ đại như thế, o bế phỏng vấn ông như thế lại phủ phàng với ông đến thế!  

Hiện ông sống nhờ vào tiền  do một hội bảo vệ tác quyền thu được từ các chương trình trong nước, ngoài ra là sự giúp đỡ khi có khi không  từ người mến mộ, các cơ quan, hội thiện nguyện.  Tuổi già ông hiện sống trong bịnh tật, nghèo khó.

Nghe ông kể về cảnh ngộ, tôi xin phép ông quay phim bằng máy chụp hình.  Đoạn phim chi có 3 phút sẽ cho chúng ta biết rõ những phi lý, bất công như thế nào, và ông nghèo khó cần giúp đỡ ra saọ.  Hy vọng sẽ có nhiều người biết về hoàn cảnh và giúp đỡ thêm cho ông.

Gởi tặng ông món quà nho nhỏ, chút ít tịnh tài. Chia tay ông, tôi rời VN với lòng nặng chĩu.  Định công việc đầu tiên là tải đoạn phim lên mạng nhưng máy computer dùng để hiệu đính phim bị hư nên mãi đên 1 tháng sau tôi mới thực hiện được.  Xin thành thật tạ lỗi cùng ông.


Huyền Lam
Chuyến đi VN - tháng 7-2011

Đường link đến một số nhạc phẩm của Nguyễn Văn Tý:

Dư Âm
Người đi xây hồ Kẻ Gỗ
Mẹ Yêu Con
Cô Nuôi Dạy Trẻ
Một Khúc Tâm Tình Của Người Hà Tĩnh
Dáng Đứng Bến Tre