Thursday, February 28, 2013

Thiền Viện Của Tu Sĩ Hoa Kỳ

Mấy hôm nay tập trung làm phóng sự cho một website Phật Giáo về các chùa, thiền viện do tu sĩ Hoa Kỳ (không phải gốc Châu Á) điều hành (trụ trì), Có 2 hình ảnh làm tôi nhớ mãi.

Phật Điện vô cùng đơn giản, không nhiều nhang đèn phẩm vật nhưng toả được Phật lực, uy nghi, thanh tịnh


nh xe Pháp Luân mà chùa Tây Tạng nào cũng có, nay được chuyển sang Anh Ngữ với hình ảnh và lời kinh làm bất cứ người mẹ nào cũng tự hào nói với con thơ:  Đạo Phật của mẹ là thế đó.  Và con thơ vô cùng thích thú trước những biểu tượng đầy trí tuệ và gần gũi với chúng.

Tạm dịch từ những dòng chữ trên Pháp Luân:

Being Be Held in Compassion:  Từ Bi phổ độ chúng sanh -  Tình thương đến với mọi người mọi loài

Wise Action:  Chánh Nghiệp - Làm Việc Đúng
Wise Livelihood: Chánh Mạng - Sống Đúng
Wise View:  Chánh Kiến - Thấy Đúng
...
Đây là Bát Chánh Đạo (8 con đường chân chính đức Phật dạy) được dịch ra  Anh Ngữ vô cùng dễ hiểu

Những ngày qua, nhìn những hình ảnh phản cảm dán tiền vào tượng Phật, thậm chí còn nhét tiền vào miệng Phật trong các lễ lộc và tập tục đốt vàng mã, rải vàng mã...Tôi ước ao... một ngày nào đó, con thơ VN khi đến chùa sẽ giống hình ảnh trên.

Huyền Lam
Ngày cuối tháng 2 năm 2013 



Friday, February 15, 2013

Ngô Thụy Miên - Hành Trình 3 Bản Phật Ca

Đời sống nhạc sĩ Ngô Thụy Miên vốn thầm lặng, ít xuất hiện trước ống kính, chưa có dịp về thăm lại quê hương kể từ khi ra đi vào năm 1978. Tuy nhiên đối với người Việt trong nước, tình ca Ngô Thụy Miên được nghe, được hát say mê.   Mỗi đêm trên đất nước này, thật khó có thể biết hết số người hát nghe các ca khúc trữ tình lãng mạn của anh.  Cũng như bao  người, tôi yêu thích tình ca Ngô Thụy Miên.  Nghĩ đến tên anh, mọi người đều nghĩ đến một thiên tài âm nhạc viết tình ca.  Hầu như rất ít người, nhất là ở trong nước biết rằng anh có sáng tác 3 bản Phật ca.  

Ngô Thụy Miên là nhạc sĩ tên tuổi, một cây đại thụ, thế nhưng tôi quen anh không bắt đầu từ môi trường âm nhạc.  Vào năm 1987, sau khi ra trường đi làm được vài năm trong ngành công nghệ tin học (IT), công ty chuyển tôi về làm việc tại thành phố gần nơi anh sinh sống.  Tại đây tôi biết anh qua tên thật...làm cùng nghề dù anh lớn hơn gần một thế hệ.   Thỉnh thoảng đi tham dự hội nghị chuyên ngành, tôi gặp anh, bắt tay, chào anh bằng tên thật, trò chuyện đôi câu như người em thăm hỏi người anh.

Trong các cây đại thụ Việt Nam, có lẽ anh là người tạo cho mình  một nghề nghiệp vững chắc không phải là âm nhạc.  Nói theo dân gian, anh là người “có thực mới vực được nhạc”.  Trước 1975, bên cạnh việc sáng tác, anh theo học tại  Đại Học Khoa Học Sài Gòn, làm kiểm soát không lưu (air traffic controller) tại phi trường Tân Sơn Nhất.  Năm 1978 sau khi ra nước ngoài, bắt đầu lại từ đầu, anh tốt nghiệp kỹ sư khoa học điện toán (BS Computer Science).  Đây là một ngành tương đối khô khan khó học thời bấy giờ.  Ngay cả tôi, trẻ trung, tuổi đời chưa tới 20 nhưng phải vật vã, thức nhiều đêm dài nặn logic viết mệnh lệnh cho máy điện toán xử lý tư liệu.  Thời tôi theo học ngành này, gần một nửa sinh viên Mỹ phải bỏ cuộc giữa đường.  Thế nhưng một người có tâm hồn viết những giòng nhạc đài các  lãng mạn ở tuổi trên 30 như anh, vừa ra nước ngoài với bao trở ngại  ngôn ngữ  lại vượt qua được khó khăn này.

Nhạc của anh so với nghề nghiệp vô cùng khác biệt như đường với muối, nước với lửa.  Có lần gặp anh tại hội nghị, tôi hỏi đùa:  - gỏ bàn phím máy tinh cho ra program mới (software-nhu liệu) và gỏ dương cầm cho ra nhạc phẩm mới, anh gỏ cái nào nhanh hơn?

Anh mỉm cười nửa đùa, nửa bí ẩn: -  Cái này thì máy tính nó mới biết được, mà máy tính nó lại không nói cho người biết.  

Tôi thật sự biết anh nhiều hơn, thân hơn  vào khoảng năm 1989-1994.  Dạo ấy anh thường tham dự khoá lễ hằng tuần tại ngôi chùa vừa được thành lập gần nơi cư ngụ.   Anh thích ngồi phía sau, lặng lẽ thiền, tụng kinh niệm Phật theo sự hướng dẫn của qúy sư.  Những lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, anh ở lại quay quần dùng cơm chung với Phật tử.  Dẫu biết là nhạc sĩ tên tuổi nhưng mọi người luôn  đối xử anh như một Phật tử bình thường vì biết anh mong được như thế.    Anh rất thân thiện, tự nhiên, có bề ngoài vừa trí thức dễ mến vừa nghệ sĩ khiêm nhường  từ tốn.  Phong cách anh có thể nói rằng không khác mấy với giòng nhạc Ngô Thụy Miên:  cổ kính, lãng mạn, uyên thâm, thi vị.

Thưở ấy tôi được sư trụ trì giao phụ trách sinh hoạt tuổi trẻ, trong đó có phần văn nghệ trình diễn trong dịp lễ.   Sư trụ trì thường tâm sự  trong các buổi tu học hằng tuần:  - Thầy ước ao cải thiện buổi lễ Phật, trẻ trung hoá Phật Giáo để lớp trẻ có thể tham dự dễ dàng hơn, hiểu đạo hơn.  

Vài tuần sau, một trưa chủ nhật mùa xuân năm 1991,  anh cầm cuộn giấy tròn gặp tôi tại chùa,  giọng bắc, trầm, chậm:  - Mấy hôm rồi anh có phổ ba bài nhạc như lời thầy tâm sự.  Em  áp dụng được gì thì cứ tự nhiên.

Tôi nhận cuốn giấy nhỏ trên tay, từ tốn mở ra.  Ba bài nhạc được ghi nốt, lời nhạc bằng nét chữ viết tay của anh.  Tôi ngạc nhiên:  - Đây là bản chính mà anh?  Để em photo rồi trả lại.  Em không dám giữ bản gốc đâu.

Anh cười hiền từ:  - có sao đâu, em cứ giữ đi.  

Ba bài nhạc đó, tôi photo ra nhiều bản, trả lại anh bản gốc.   Vài tháng sau,  anh đưa bản in có nốt nhạc lời nhạc rõ ràng hơn, kèm theo băng cassette:

- Anh có nhờ người thân hát tạm cho tụi em dễ hát theo.  

Tôi cảm động, bối rối:  -  anh tốn công quá.  Em sẽ ráng hết sức nhưng sợ khả năng hạn hẹp của em không xứng với  tấm lòng của anh.  

Anh chân tình:  - Có sao đâu, đừng ngại gì hết.  Anh đóng góp chút ít.  Tập được thì tập, không cũng chẳng sao.

Từ năm 1991 đến 1994, tôi gởi ba bản Phật ca đến nhiều chùa, có in trên một số báo Phật Giáo hải ngoại.  Bài Sám Hối Phát Nguyện và bài Cúng Hương Tán Phật  được chúng tôi hát trong các buổi lễ dành riêng cho giới trẻ.  Đây là hai bài kinh nhật tụng mà người đi chùa luôn tụng bằng chuông mõ khi dự các khoá lễ.  Âm điệu hai bài được phổ rất trang nghiêm thánh thiện.  Khi hát chúng tôi dễ dàng diễn đạt trọn vẹn lòng thành, cảm nhận thân tâm như kết nối cùng chư Phật.   Riêng bài Em Đi Lễ Chùa được chúng tôi trình bày trong các chương trình văn nghệ Phật Đản, Vu Lan.  Dạo ấy một số Phật tử  trẻ tại các thành phố lớn cũng hát những bài này.  Tuy nhiên trong môi trường hải ngoại, kẻ đi  người đến, nhất là nhạc Phật giáo hầu như không được ca sĩ tên tuổI làm dĩa, nên ba bài Phật ca của anh dần dần đi vào quên lãng...

Những năm sau này tôi có ý định giới thiệu 3 bản Phật Ca đến người trong nước, tuy nhiên mãi gần đây mới đủ duyên lành tiếp cận qúy  tu sĩ và Phật tử trẻ làm việc trong lãnh vưc văn hoá Phật Giáo.   Tôi trình bày anh ý định của mình và được anh nhắc đến kỷ niệm xưa trong đó có đoạn:

“Đây là những đóng góp nhỏ nhoi của anh vào vườn hoa Phật ca của chúng ta, và dĩ nhiên quý vị Phật tử có thể tự do phổ biến.  Anh phải cám ơn những công đức này.”

Đêm nay ngồi chuyển MP3 từ băng cassette ngày nào và in 3 bài nhạc để anh ký như một lưu niệm trước khi tôi gởi về bên nhà.  Cuốn băng nằm im đã quá lâu, nhão, dính chặt, máy không kéo được.  Vừa niệm Phật vừa dùng bút chì xoay băng cho lỏng, tôi nguyện cầu cuốn băng đừng đứt, đừng hư.  Cuối cùng lời nhạc  từ máy cassette vang vọng giữa đêm khuya.  Diệu kỳ thay! qúy báu thay!  âm thanh chuyển tải diễn đạt  được cả dấu ấn thời gian xa xưa.    Tôi thấy mình hoà nhập cùng lời kinh trong  tiếng dương cầm anh đệm nhẹ nhàng thanh tao.  

Sau 20 năm chìm vào quên lãng, ba bản Phật ca của người nhạc sĩ tài hoa bắt đầu hành trình mới mà tôi tin rằng sẽ vươn mầm tươi tốt nơi đất Việt mến yêu.


Nghe Sám Hối Phát Nguyện bằng MP3
                  hoặc xem trên  Youtube:                      
 Lời và nốt nhạc cùng chữ ký tác giả pdf

Nghe Cúng Hương Tán Phật bằng MP3
                  hoặc xem trên Youtube:                                Lời và nốt nhạc cùng chữ ký tác giả pdf

Nghe Em Đi Lễ Chùa bằng MP3
                 hơặc xem trên Youtube:                                          Lời và nốt nhạc cùng chữ ký tác giả pdf


Huyền Lam

1  tháng 2 năm 2013


Friday, February 8, 2013

Khánh Ly - Một Chiều 29 Tết

Ngày 29 tháng chạp giáp tết, những năm đầu thập niên 1980, đó cái tết thứ hai của tôi tại Hoa Kỳ.  Buổi trưa anh Tuấn, người láng giềng cùng khu chung cư chạy qua căn hộ nhóm sinh viên trẻ.  

- Vợ tau không biết khi nào bể bầu.  Tụi bây có đứa nào rảnh theo ông Davis (bên hội bảo lãnh người tị nạn) ra phi trường đón thằng em giùm?  

Mùa đông trời u ám băng giá, cây cối trơ trụi đìu hiu.  Vài đứa ngồi miệt mài học bài, vài đứa lúi húi cắt hoa giấy dán trên tường cho có chút không khí tết.  Không đứa nào thèm lên tiếng.  

Nhớ lại ngày đầu tiên đến phi trường Mỹ, vừa thoát ra trại tị nạn Mã Lai, tôi gầy nhom như cành củi mục, đen đúa, mang dép lào không vớ, chiếc quần lủng lốm đốm, chiếc áo len rách cùi chỏ, không hành lý,  tay xách bịch ni lông to tướng in huy hiệu cao ủy tị nạn để  người đi đón nhận diện.  Tôi hoang mang,  hồi hộp.  Như một con cừu non ngơ ngác trong môi trường lạ hoắc, dõi mắt nhìn đám đông như đứa bé thơ tìm mẹ.  Ai là người bảo trợ rước tôi về?   Ước chi có người Việt cho tôi hỏi đôi câu, cho đỡ lẻ loi, cho bớt lạc lỏng bơ vơ.  

Nghĩ đến cảnh đó, tôi mạnh dạn nói: - Em đi anh Tuấn.  

Ông Davis lái xe đến phi trường quốc tế, dẫn tôi tới khu vực nhập cảnh.  Lúc đi bộ trên hành lang rộng lớn, ngang qua các cổng ra máy bay, có người phụ nữ tóc đen dài.  Chị ngồi bất động nhìn khung cửa kính, bên ngoài máy bay lên xuống.   Theo bước chân ông Davis nhưng tôi cứ ngoái nhìn chị để ráng nhớ “ai mà trông quen quá đỗi”.

“Ô... ca sĩ Khánh Ly!  Đúng rồi”  tôi xúyt xoa, không thể nào nhầm vóc dáng thanh gầy, mái tóc dài ấy được.  

Huy, em anh Tuấn mới 14 tuổi.  Gặp tôi tới đón về, Huy lúc đầu giận vì không thấy anh Tuấn, sau khi nghe tôi giải thích,  Huy cầm chặt tay tôi như sợ lạc mất.  Hai anh em bước tung tăng theo ông Davis, chuyện trò luyên thuyên trên hành lang ra lại bãi đậu xe.

Chị Khánh Ly vẫn còn ngồi đó, dáng bất động như cách đây 15 phút.  Tôi bập bẹ tiếng Anh, xin ông Davis vài phút chào người quen.  Cầm tay Huy, tôi rón rén tới trước mặt chị.  

- Em xin chào chị Khánh Ly.

Chị giật mình, nhìn bao ni-lông tị nạn, khuôn mặt u trầm bỗng toát nụ cười từ ái thân thương.  Chị mân miêu bàn tay Huy: - Em mới đến Mỹ hả?  Đi đường xa chắc mệt.

Chị Khánh Ly cho biết cộng đồng người Việt tại Toronto Canada mời chị trình diễn mừng xuân.  Máy bay quá cảnh tại đây, nhưng rồi được thông báo trễ vài tiếng vì Toronto tuyết nhiều.  Bây giờ thì vừa được thông báo trưa mai mới bay - bão tuyết bên Canana dữ dội.  Chốc nữa hãng máy bay sẽ sắp xếp nghĩ ngơi.  

Tôi kể chị nghe chuyện cộng đồng Việt nhỏ bé tại thị trấn heo hút, sống quay quần trong vài khu chung cư để hỗ trợ nhau.  Bỗng nhiên tôi bạo miệng hỏi:  

- Nếu em sắp xếp xe đưa chị ra phi trường ngày mai, chị về với bà con một đêm nghe.  Chúng em nghèo, mới qua một vài năm, sống chật chội, thiếu tiền, thiếu đủ thứ, nhưng đồng hương sẽ khóc lên được nếu đêm nay có chị.  

Vẫn nụ cười, từ ái thân thương, chậm rãi: - Em sắp xếp, chị sẽ về.  Được gặp, sống cùng đồng hương có gì hạnh phúc bằng.  Chị thèm một chén cơm.

- Chị chờ em đi gọi điện thoại nghe.

Thấy tôi loay quay mở ví kiếm tiền đi đổi đồng xu gọi điện thoại, chị lôi trong sách tay được 4, 5 đồng xu, cười đưa cho tôi:  - có lời đấy nhé!

Ông Davis ngồi dãy ghế đối diện không hiểu gì, đưa mắt nhìn như thầm hỏi sao không đi cho rồi, có chuyện gì đây?  Tôi bảo ông ta chờ thêm vài phút, rồi vụt chạy đi kiếm điện thoại công cộng:

- Anh Tuấn, có ca sĩ Khánh Ly...
- nhà bác Ban 4 phòng (cùng chung cư), phòng khách rộng.....
- nhà em, kêu Tiến dọn hết đồ ra khỏi phòng đem qua nhà..., giặt sạch chăn mền gối.  Kêu tụi nó chùi rửa phòng tắm, bếp...
- anh thông báo bà con mình, nếu bác Ban đồng ý, đêm nay ở nhà bác, mỗi người đem đồ ăn....
- mai anh chở ca sĩ Khánh Ly ra phi trường, bà bầu, tụi em lo.
- Thôi bye...2 giờ nữa về tới nhà...

Tôi nghe giọng anh Tuấn hét lên sung sướng trước khi cúp máy:  - Khánh Ly về tụi bây ơi! Quá đã! quá đã!

Ông Davis không hiểu vì sao có thêm khách, tôi ráng giải thích bằng tiếng Anh bập bẹ.  Ông nghe được câu “ca sĩ của toàn dân Việt Nam”, cười gật đầu:  - ok, ok.

Đoạn đường xa lộ liên bang dài hun hút, thấy chị mệt, tôi chỉ hỏi đôi câu để chị nhắm mắt.  Thằng Huy vì trái múi giờ cũng ngủ say sưa,  tôi ngồi rặn tiếng Anh nói chuyện cùng ông Davis.  

Khu chung cư buổi chiều giáp tết nhộn nhịp khác thường, ông Davis chạy vòng vòng kiếm chỗ đậu xe nhưng không còn chỗ trống.  Đồng hương Việt thấy xe ông Davis, chạy ào ra, ơi ới:

- Khánh Ly...Khánh Ly.

Có lẽ đây là lần đầu tiên ông Davis thấy đông người ra đón như thế, dù rằng mấy năm qua, đây là công việc hằng tuần của ông tại trung tâm bảo trợ người tị nạn.  Tôi đùa với Huy:  - Em may mắn hơn anh nhiều, ngày anh tới, lủi thủi một mình.

Chiều tối, chúng tôi đưa chị qua nhà bác Ban để đón Tết sớm.  Bác cho dọn trống phòng khách, chỉ để lại chiếc ghế duy nhất.  Trên các bức tường, hoa giấy, pháo giấy, hình vẽ được trang trí như hội xuân thu gọn.   Tôi không ngờ chỉ sau vài giờ  bà con đã tạo không gian Tết nghệ thuật như vậy.  Dù hẹn nhau 8 giờ tối, nhưng mới 7 giờ đồng hương đã lục tục kéo đến.  Người khiêng nồi cháo gà, kẻ đem dĩa xôi đậu phụng, đủ thứ linh tinh. Chỉ duy nhất thiếu món bánh chưng, bánh tét vì dạo ấy không có bán lá chuối đông lạnh như bây giờ.  Mấy món mức VN được thay bằng kẹo chocolate đủ loại  Hạt dưa không có thì được thay bằng hạt hoa hướng dương...  Đồ ăn được chất đầy 2  bàn dài trong bếp để mọi người tự phục vụ lấy.

Ca sĩ Khánh Ly có phong thái rất điềm đạm nhưng bình dân, giản dị.  Gặp người lớn tuổi chị ân cần hỏi thăm, gặp em bé chị vui đùa, nựng nịu tự nhiên.  Món ăn nào chị cũng thử rồi hỏi cách nấu.  Đồng hương muốn nói, muốn hỏi nhiều điều, nhưng cuối cùng hầu hết nhìn chị cười, mời chị ăn, khen chị đẹp, cám ơn chị đã về...

Biết đồng hương đến đây để được nghe  hát, chị ra hiệu cho chúng tôi sắp xếp chỗ ngồi.  Gần một trăm người ngồi sát nhau, chật kín căn phòng kéo dài tận hết cả nhà bếp.  Chị không chịu ngồi trên chiếc ghế đơn độc ấy dù được yêu cầu để dễ thấy mặt chị.  Chị bảo không quen hát ngồi, đến khi người khác hát thì chị sẽ ngồi dưới sàn như bao người.   May chúng tôi có anh Hải biết đệm guitar khá, nên cuối cùng chiếc ghế ấy được dành cho anh Hải ngồi cho tiện đờn, đỡ mỏi chân.  Chị bắt đầu bằng bài Thuyền Viễn Xứ rồi tiếp sang Người Di Tản Buồn...

- Chiều nay sương khói lên khơi. Thùy dương rũ bến tơi bời. Làn mây hồng pha rán trời...
- Chiều nay có một người đôi mắt buồn. Nhìn xa xăm về quê hương rất xa. Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha.  Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhoà....

Căn phòng lặng im, chỉ có giọng hát Khánh Ly gởi trọn trái  tim, trầm ngân xao xuyến, bàng hoàng chấn động. Cảm xúc từng đợt, từng đợt phá bung tất cả....tiếng khóc sụt sùi xung quanh.  Chị nhạt nhoà đôi mắt ướt, vừa cười vừa trêu:  

- Tết đến mà sao chúng ta ai cũng khóc!

Ngưng một chút, chị nói tiếp:  - chúng ta khóc đây là khóc cho nổi buồn ly hương, khóc cho   hạnh phúc còn có được nhau nơi đất lạ quê người...

Và cứ thế chị hát, tâm tình cho chúng tôi nghe trong đêm đông lạnh giá.  Chị đem đến cho mọi người niềm hạnh phúc, xúc cảm tràn đầy.  Nhiều năm sau này tôi có gặp lại chị đôi lần khi giúp các sinh viên trên thành phố lớn tổ chức văn nghệ.  Chị vẫn đơn giản như ngày nào. Biết sinh viên tổ chức, chị nói cho chị ở dorm (ký túc xá sinh viên) đỡ tốn tiền các em.  

Riêng tôi, mấy mươi năm qua, mỗi lần tết đến bao giờ cũng bận rộn dính vào khâu tổ chức văn nghệ.  Có lúc tổ chức rất chuyên nghiệp,  có giàn nhạc ca sĩ thượng thặng, có lúc cây nhà lá vườn.  Tuy nhiên cái Tết hạnh phúc nhất, đẹp nhất, tình người nhất vẫn mãi là cái tết thời khốn khó có chị Khánh Ly năm nào.

Huyền Lam
Kỷ niệm ngày 29 Tết năm nào...

Ngày 29 tháng chạp năm Nhâm Thìn (8-tháng-2-2013)