Tuesday, May 28, 2013

Những tấm hình ghi lại giây phút lịch sử

Năm mươi năm đã trôi qua, tấm hình HT.Thích Quảng Đức ngồi nhập định trong biển lửa do phóng viên AP Malcolm Browne chụp, cho đến nay vẫn là tấm hình lịch sử, có giá trị vượt thời gian, tạo nhiều cảm xúc trên thế giới. Cố Tổng thống Hoa Kỳ Kennedy cũng đã từng nói như thế: “No news picture in history has generated so much emotion around the world as that one”

Đứng trước sự đàn áp Phật giáo của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, Hòa thượng đã tự đốt thân mình làm ngọn đuốc cảnh tỉnh chế độ và đánh thức lương tâm nhân loại. Tấm hình Ngài có thời được người Âu châu in như postcard để mọi người làm kỷ niệm. Nhiều phong trào thế giới cũng dùng tấm hình làm biểu tượng cho tổ chức.

Thế nhưng kể từ sau năm 1975 tại hải ngoại, một số người bắt đầu tung tin đồn về tấm hình để đả phá, hủy hoại, cố tình tạo ngộ nhận trong dư luận về sự giá trị của tấm hình này. Có khi có người đã thêu dệt câu chuyện, cho rằng Ngài đã chết, được khiêng xuống xe để đốt. Có khi thì họ cho Ngài đã bị tiêm thuốc tê liệt rồi có người dùng kích lửa đốt Ngài. Các tin đồn này được cấu trúc khéo léo như hồi ký, dễ lừa độc giả dù không hề đưa ra được nhân chứng, bằng chứng. Bên cạnh đó, họ cố gắng ngụy tạo tin tức, dựng hình ảnh, cả video clip để xuyên tạc lịch sử. 

Nhân dịp 50 năm kỷ niệm ngày Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu và Pháp nạn 1963, tác giả xin được in những tấm hình của phóng viên Malcolm Browne có mặt tại hiện trường; đồng thời lược dịch một phần phỏng vấn của biên tập viên hình thời sự quốc tế Patrick Witty - tạp chí Time vào năm 2011 trước khi ông Malcolm qua đời vào tháng 8 năm 2012.

Malcolm Browne:

 “Vào thời điểm tôi đến chùa, đây là nơi tổ chức sự kiện, mọi chuyện đã khởi động - chư Tăng Ni đang đồng tụng kinh, đây là loại kinh thường được tụng khi tang lễ. Khi vị sư trưởng ra hiệu, tất cả chư Tăng đều ra đường và đi bộ đến trung tâm Sài Gòn. Khi chúng tôi tới nơi, chư Tăng Ni nhanh chóng hợp thành vòng tròn, chính xác ngay giữa 2 đại lộ chính của Sài Gòn. Một chiếc xe lái tới. Hai nhà sư trẻ bước ra khỏi xe. Một nhà sư lớn tuổi, dựa chút xíu vào một nhà sư trẻ, cũng rời khỏi xe. Vị sư già đi thẳng đến ngay giữa ngã tư. Hai nhà sư trẻ đem theo một thùng nhựa, mà sau này được biết là xăng. Ngay sau khi vị sư già tự chính mình ngồi xuống, nhà sư trẻ đổ chất lỏng lên toàn thân người. Vị sư già lấy hộp diêm ra, quẹt cháy lên, và thả cây diêm cháy lên trên đùi, ngay lập tức lửa bùng cháy, bao trùm”.

Nguyên văn Anh ngữ: “So by the time I got to the pagoda where all of this was being organized, it was already underway - the monks and nuns were chanting a type of chant that’s very common at funerals and so forth. At a signal from the leader, they all started out into the street and headed toward the central part of Saigon on foot. When we reached there, the monks quickly formed a circle around a precise intersection of two main streets in Saigon. A car drove up. Two young monks got out of it. An older monk, leaning a little bit on one of the younger ones, also got out. He headed right for the center of the intersection. The two young monks brought up a plastic jerry can, which proved to be gasoline. As soon as he seated himself, they poured the liquid all over him. He got out a matchbook, lighted it, and dropped it in his lap and was immediately engulfed in flames”. (Nguồn: http://lightbox.time.com/2012/08/28/malcolm-browne-the-story-behind-the-burning-monk/#8).

Những tấm hình ghi lại  giây phút lịch sử:

Chư Tăng Ni tay chấp ngang ngực trang nghiêm theo sau chiếc xe chở Bồ-tát Quảng Đức




Vị sư trẻ giúptưới xăng lên châu thân Bồ-tát Quảng Đức

Bồ-tát Quảng Đức đánh lửa bằng diêm quẹt
Tấm hình lịch sử chấn động lương tâm thế giới
Nhà báo Malcolm Browne bên bức ảnh lịch sử được trao giải thưởng Ảnh Báo Chí Thế Giới 1963 - ảnh AP
Những khoảnh khắc này được ghi nhận một cách trung thực, rõ ràng. Cũng chính nhờ các tấm hình đó mà Malcolm Browne được trao giải thưởng danh giá nhất dành cho thể loại ảnh báo chí thế giới năm 1963.


9 bức hình Malcolm Browne ghi lại chuỗi sự kiện lịch sử
Huyền Lam 

Giác Ngộ số 693 - Ra ngày 18 tháng 5 -2013

`

Sunday, May 26, 2013

Ðoàn xe đạp rước Phật

Xa quê hương đã hơn 30 năm, nhưng mỗi lần đến mùa Phật đản, tôi lại nhớ đến kỷ niệm đầu tiên thuở ấu thơ. Buổi sáng sớm mùa sen nở, tôi lên năm lên sáu, mẹ cầm tay dẫn ra lề đường chờ đoàn rước Phật đi qua.   Trong nắng ấm ban mai, lũ trẻ con chúng tôi nô nức chờ, riêng tôi chưa bao giờ được xem. Nghe mấy đứa nhỏ đứng cạnh khoe năm ngoái có này, có kia... làm tôi càng tò mò, tưởng tượng thích thú. 
Đạp xe mừng Phật đản của chùa Giác Tâm (Q.5, SG) 

Cô bé hàng xóm bỗng khẽ nhắc: - Tới rồi kìa, chắp tay, chắp tay!


Mẹ nhìn tôi mỉm cười, tay búp sen chụm lại. Tôi vụng về bắt chước, trố mắt nhìn xa xa cuối đường. Một đoàn xe đạp khoảng 20 chiếc trang hoàng cờ xướng được các anh chị mặc áo lam đạp từ chùa khuôn hội (phường xã) lên chùa tỉnh hội (thành phố), báo hiệu đoàn rước Phật sắp sửa đi qua. Khoảng 5 phút sau, đoàn rước Phật vô cùng trang nghiêm xuất hiện, dẫn đầu là các em nhỏ chia làm hai hàng, tay nâng giỏ hoa nhỏ, kế tiếp là kiệu Phật trang hoàng rất uy nghi, mỹ thuật được các anh lớn gánh trên vai, theo sau là đoàn thanh nam, thanh nữ cả trăm người chắp tay, chậm rãi bước từng bước một...

Không khí thánh tịnh uy nghi ấy gieo vào tâm hồn non trẻ của tôi cảm giác gần gũi Đức Phật, giúp tôi mạnh dạn gia nhập Gia đình Phật tử và hoạt động trong lãnh vực Phật giáo cho đến ngày nay. Đã mấy mươi năm qua, tôi chưa có dịp đón mừng Phật đản trên quê hương, dù có về thăm vài lần. Từng năm tháng, theo dõi hoạt động Phật giáo bên nhà lắm lúc bùi ngùi lo lắng không biết tương lai Phật giáo Việt Nam sẽ đi về đâu. Trên mặt nổi, người trẻ như ngày càng thờ ơ với đạo Phật vốn gắn bó, góp phần gìn giữ đất nước Việt Nam hơn ngàn năm qua.

Vài năm trở lại đây, một số hoạt động của giới trẻ giúp tôi tin rằng nếu được hỗ trợ tinh thần, người trẻ sẽ đến với đạo Phật thiết thực nhiệt tình, đem tinh hoa Phật giáo xây dựng xã hội lành mạnh về mọi mặt. Tôi thật sự xúc động khi tình cờ xem hình ảnh người trẻ đi xe đạp thành đoàn dài chào đón ngày Phật đản vào năm 2011.

Đoàn xe được kết hoa, mang biểu tượng Phật sơ sinh cùng cờ phướn tạo nên không khí Phật đản vui tươi sống động nhưng không kém phần trang nghiêm trật tự. Người dân chứng kiến đoàn xe, ít nhiều cảm nhận được năng lượng hân hoan, thánh thiện đoàn xe mang lại, nhiều em bé sẽ được gieo duyên với Phật khi đoàn xe đi qua như thuở ấu thơ của tôi.

Đoàn xe đạp rước Phật bên cạnh chào đón ngày Phật ra đời, còn mang thông điệp vô cùng quan trọng: một cuộc sống lành mạnh bảo vệ môi trường. Đây là cốt tủy đạo Phật vì muôn người, muôn loài, đồng thời đáp ứng vấn đề cấp thiết hiện nay trên toàn thế giới trước sự phá hoại môi trường do loài người gây ra từ phát triển kinh tế và các nền công nghiệp. 

Đoàn Xe Rước Phật
Các nước văn minh trên thế giới hiện đang nỗ lực vận động người dân đi xe đạp và có nhiều chính sách hỗ trợ như: lấy một phần đường dành riêng cho xe đạp, xe buýt có gắn thêm công cụ chở xe đạp phía sau để người dân có thể đi xe buýt tuyến đường xa, đạp xe cho tuyến gần. Học sinh, công nhân viên đi xe đạp được thêm tiền vì giảm thiểu chi phí xây bãi đậu xe, kẹt xe v.v...

Tôi hiện đang công tác tại Bộ Môi trường cho một tiểu bang tại Hoa Kỳ. Ngày đem khoe hình ảnh đoàn xe đạp rước Phật cho đồng nghiệp xem, các chuyên gia môi trường cảm động, trầm trồ thán phục: - Đây là việc chào mừng Phật đản tốt đẹp nhất, nhân văn nhất, tốt cho trái đất nhất!

Không có gì đẹp hơn khi vào ngày Phật đản, hoặc thứ Bảy, Chủ nhật trước ngày Phật đản (nếu không trùng ngày, để tránh kẹt xe và thuận tiện tham gia), buổi sáng sớm cả nước đúng vào giờ ấn định, nhiều đoàn xe đạp chia nhiều tuyến đường đi khắp nơi chào mừng Phật đản. Đoàn thành phố đi những tuyến đường chính. Đoàn quận, phường xã đi những tuyến địa phương.

Các em đạp xe đến mỗi chùa trong khu vực đã định, vào lễ Tam bảo thăm chùa đôi phút rồi đạp xe sang thăm chùa khác. Tùy hoàn cảnh, sự vận động tại mỗi địa phương, đoàn xe đạp có thể xen thêm xe đạp thồ có chiếc thùng to để dân chúng trên tuyến đường có cơ hội phát tâm từ, tặng áo quần thực phẩm cho cô nhi viện, người nghèo khó. Đất nước sẽ được tưới tẩm một mùa Phật đản sinh động, lành mạnh, tràn đầy sức sống, tràn đầy hân hoan được toàn thể Phật tử góp phần.

Vào các trang mạng diễn đàn, đọc những cảm xúc các em từng tham gia ghi lại, của những người từng chứng kiến đoàn xe đạp rước Phật, thiết nghĩ đây là một duyên lành cho Phật giáo nước nhà tạo nên nét đặc trưng văn hóa vô cùng ý nghĩa cho mùa Phật đản. Từ hải ngoại xa xôi nhớ thương Phật giáo quê nhà như “mái chùa che chở hồn dân tộc”, uớc mong chư tôn đức cùng góp tay vận động để mô hình đoàn xe đạp rước Phật được tổ chức khắp mọi miền đất nước để cúng dường lên Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni nhân mùa Phật đản. 

Huyền Lam - Giác Ngộ 694



Diễu hành bằng xe đạp hoa không phải là một hình thức mới. Cái mới ở đây là các bạn đã thổi luồng sinh khí trẻ của mình vào các hoạt động chào mừng ngày Đức Phật đản sanh, vốn được các tự viện thực hiện thiên về nghi thức và có phần già nua.
Bạn trẻ tham gia đoàn đạp xe mừng Phật đản


Tôi thật sự cảm phục sự tinh tế của các em, ngoài sự tôn vinh Đức Bổn sư, còn cổ động cho việc sử dụng xe đạp vì môi trường xanh, thông qua các khẩu hiệu được dán trang trọng ở mặt trước giỏ xe.

Mong rằng hình thức hoạt động thiết thực, ít tốn kém này được Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành cũng như các cấp chính quyền quan tâm, cổ vũ và ủng hộ.
Vương Nguyên    

Một minh chứng cho thấy sức trẻ và lòng nhiệt thành hướng Phật có thể làm nên những điều thiêng liêng tràn đầy ý nghĩa. Tuổi trẻ với sự năng động sáng tạo đã làm cho đạo Phật có một sức sống mới, một diện mạo mới. Các bạn đã làm thay đổi cách tổ chức Phật đản truyền thống lâu nay chỉ gói gọn trong khuôn viên tự viện. Các bạn đã làm cho ngày Phật đản trở thành lễ hội của đường phố, lễ hội của toàn dân có sức lan tỏa và truyền đạt tình yêu đạo Phật đến đông đảo quần chúng có cơ duyên được chứng kiến.
Nguyễn Hữu Đức
Đức Phật đản sinh trang trí ở xe đạp
Rất cần hình ảnh Phật giáo tương lai là hình ảnh Phật giáo trẻ trung, sôi nổi như vậy. Các em hãy luôn giữ trang nghiêm, trật tự để thể hiện sự tôn kính của mình đối với Đức Phật. Tương lai đạo pháp nằm trong tay các em. Các em hãy là những sứ giả Như Lai mang đạo vào đời, để đạo pháp và dân tộc mãi mãi trường tồn cùng giang sơn. Cần nhiều hơn nữa những hình thức cúng dường Phật đản như thế.
Trần Mạnh Đức

Friday, May 24, 2013

Kể thêm về ba bản Phật ca của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

Lời ngỏ:  Vào đầu năm 2013 tôi có viết một bài về 3 bản Phật ca của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, sau đó một cơ quan truyền thông yêu cầu viết thêm chi tiết về 3 bản Phật ca này.


So với những người làm nghệ thuật, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có đời sống, sự nghiệp khá ổn định.   Ra nước ngoài năm 1978 và chưa có dịp về Việt Nam, anh bắt đầu lại sự nghiệp bằng cách theo học ngành điện toán và tốt nghiệp văn bằng kỹ sư vào năm 1981 tại Hoa Kỳ. Từ đó cho đến những năm gần đây, anh làm chuyên viên lập trình máy tính trong mấy mươi năm liền. Có lẽ đây là điều ít ai mường tượng được nơi người nhạc sĩ tài ba có những bản tình ca bất tử. 

Hàng ngày vật lộn với công việc logic khô khan, ngôn ngữ máy tính vô tri vô giác để tạo phần mềm xử lý tư liệu đã không làm tâm hồn anh chai cứng. Chẳng những thế, anh đã cho ra đời hơn 40 bản tình ca trong giai đoạn này.Điều ngạc nhiên đối với mọi người là khi biết anh có sáng tác nhạc Phật giáo mà tôi đề cập đến trong một bài viết gần đây.

Ngày ấy, vào khoảng đầu năm 1990, tại thành phố nhỏ nơi nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cư ngụ, anh thường đến chùa dự khóa lễ hàng tuần vào mỗi chiều Chủ nhật. Anh thích ngồi phía sau, lặng lẽ thiền, tụng kinh niệm Phật theo sự hướng dẫn của quý sư. Anh rất thân thiện, tự nhiên, có bề ngoài vừa trí thức dễ mến vừa nghệ sĩ khiêm nhường từ tốn. Phong cách anh có thể nói rằng không khác mấy với dòng nhạc Ngô Thụy Miên: cổ kính, lãng mạn, uyên thâm, thi vị.

Ngôi chùa vừa được thành lập nên sinh hoạt vẫn còn nhiều mặt phải cải thiện. Tôi ngày ấy vốn là huynh trưởng Gia đình Phật tử tại thành phố lớn trở về giúp thầy trụ trì phụ trách giới trẻ. Trong các buổi thuyết pháp hoặc đàm đạo bên mâm cơm chay, thầy thường tâm sự làm thế nào để Phật giáo đến được với người trẻ.

Thầy vừa tếu vừa than: - Một đạo Phật đại hùng, đại trí, đại từ bi mà xã hội lấy phim ảnh Lan Điệp thất tình đi tu. Nhiều người coi chùa như nơi nuôi dưỡng bệnh nhân thất tình, thất tài. Thậm chí nhìn bậc xuất gia là chán đời, chui vào chùa để trốn đời chứ không phải vì hạnh nguyện cứu người giúp đời. Tụng kinh nhiều vị còn ráng ngân nga cho thêm bi ai sầu thảm! Mấy đứa nhỏ làm sao không thắc mắc đạo Phật răng mà buồn như ri? Thôi thì đi chơi bowling cho sướng cái thân ni!

Tôi như hiểu nỗi khó khăn mà thầy đang gánh trên vai. Còn anh thì lặng lẽ nghe, cười nhẹ nhàng như đồng cảm. Một hôm, tôi xin phép thầy cho nhóm trẻ được tụng kinh chung cùng quý bác. Ở phần đầu buổi lễ, tôi đề nghị dùng nghi thức Gia đình Phật tử để dễ dàng tạo điều kiện thành lập đơn vị sau này.

Buổi đầu tiên thầy làm chủ lễ, rất hoan hỷ khi thấy chúng tôi khởi đầu bằng bài hát Trầm hương đốt và chấm dứt bằng bài Sen trắng (nghi thức chào cờ của Gia đình Phật tử). Sau buổi tụng kinh, thầy khen ngợi: Hát nhạc đạo như ri tăng thêm phần trang nghiêm tươi mát cho buổi lễ. Nếu kinh cũng được hát thì dễ dàng cho tuổi trẻ hơn. Anh nghe thầy nói, nhìn nhóm Phật tử trẻ chúng tôi, trìu mến, mỉm cười.

Vài tuần sau, một trưa Chủ nhật mùa xuân năm 1991, anh cầm cuộn giấy tròn gặp tôi tại chùa, giọng Bắc, trầm, chậm: - Mấy hôm rồi anh có phổ ba bài nhạc như lời thầy tâm sự. Em áp dụng được gì thì cứ tự nhiên.

Tôi nhận cuốn giấy nhỏ trên tay, từ tốn mở ra. Ba bài nhạc được ghi nốt, lời nhạc bằng nét chữ viết tay của anh. Vài tháng sau, anh đưa bản in có nốt nhạc lời nhạc rõ ràng hơn, kèm theo băng cassette:

- Anh có nhờ người thân hát tạm cho tụi em dễ hát theo.

Tôi cảm động, bối rối: - Anh tốn công quá. Em sẽ ráng hết sức nhưng sợ khả năng hạn hẹp của em không xứng với tấm lòng của anh.

Anh chân tình: - Có sao đâu, đừng ngại gì hết. Anh đóng góp chút ít. Tập được thì tập, không cũng chẳng sao.

Trong ba bản nhạc, có 2 bài anh phổ từ kinh nhật tụng: Cúng hương tán Phật và bài Sám hối phát nguyện. Có lẽ anh chọn 2 bài kinh này vì thấy được tụng trong hầu hết mọi buổi lễ dành riêng cho đoàn Phật tử trẻ và các đạo hữu niên trưởng. Từ năm 1991 đến 1994, tôi gởi ba bản Phật ca đến nhiều chùa, có in trên một số báo Phật giáo hải ngoại.

Hai bài Phật ca phổ kinh được chúng tôi hát trong các buổi lễ dành riêng cho giới trẻ. Riêng bài Em đi lễ chùa được chúng tôi trình bày trong các chương trình văn nghệ Phật đản, Vu lan. Dạo ấy, một số Phật tử trẻ tại các thành phố lớn cũng hát những bài này. Tuy nhiên, trong môi trường hải ngoại, kẻ đi người đến, nhất là nhạc Phật giáo hầu như không được ca sĩ tên tuổi làm dĩa, nên ba bài Phật ca của anh dần dần đi vào quên lãng...

Những năm sau này tôi có ý định giới thiệu 3 bản Phật ca đến người trong nước. Tôi trình bày với anh ý định của mình và được anh nhắc đến kỷ niệm xưa, trong đó có đoạn:

“Đây là những đóng góp nhỏ nhoi của anh vào vườn hoa Phật ca của chúng ta, và dĩ nhiên quý vị Phật tử có thể tự do phổ biến. Anh phải cám ơn những công đức này”.

Đầu năm 2013, sau khi tiếp xúc được quý tu sĩ, Phật tử phụ trách văn hóa PG bên nhà, tôi in lại 3 bản Phật ca để anh ký lưu niệm cho mọi người. Riêng cuốn băng cassette anh đưa hơn 20 năm trước, việc chuyển đổi qua MP3 để bên nhà dễ dàng nghe là cả một sự khó khăn. Thời đại nhạc số với những máy nghe nhỏ như hộp quẹt, hoặc có thể nghe bằng điện thoại, máy tính mọi nơi mọi chốn thì việc kiếm cho ra một máy cassette ở Hoa Kỳ cũng không dễ. Đến khi có máy, cuốn băng nằm im đã quá lâu, nhão, dính chặt, máy không kéo được. Tôi hồi hộp vừa niệm Phật vừa dùng bút chì xoay băng cho lỏng, nguyện cầu cuốn băng đừng đứt, đừng hư. Cuối cùng, lời nhạc từ máy cassette vang vọng giữa đêm khuya, chuyển tải diễn tả được cả dấu ấn thời gian xa xưa.

Âm thanh từ cuốn băng xưa dẫu chỉ hát tạm, đệm tạm cho chúng tôi tập theo chứ không phải là sản phẩm chính thức, nhưng chúng ta có thể thấy được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tốn khá nhiều công sức, suy tư, thử nghiệm khi phổ 2 bài kinh.

Ca từ, cấu trúc bài nhạc không xa hẳn cách tụng kinh khiến người nghe cảm thấy gần gũi. Anh dẫn dắt giai điệu vào cung bậc tinh khiết, thanh cao, không đượm chút u sầu. Có lẽ những lời tâm sự của thầy trụ trì được anh ghi nhận để tránh bi ai trầm buồn. Xen giữa những đoạn kinh thành kính, anh khéo léo đưa vào lời niệm Phật rất thánh thiện làm người hát tạo được sự kết nối tâm linh cùng chư Phật.

Nếu 2 bài phổ kinh, ca từ hoàn toàn đến từ kinh Phật, thì bài Em đi lễ chùa do anh sáng tác. Ca từ bài này làm khá nhiều người ngạc nhiên khi thấy một nhạc sĩ chuyên viết tình ca lại có những dòng tràn đầy tâm đạo nhân văn. Lời nhạc anh mô tả cô gái tóc đuôi gà, mặc áo lụa, theo mẹ đến chùa:

“Dâng thành một nén tâm hương, hai tay em chắp cúi đầu em xin” “Thề nguyện mãi giữ trọn đạo... Bồ-Đề Pháp Giới một đời theo Phật từ bi...”

Cô gái mộc mạc thơ ngây ấy không xin tình duyên, tài lộc, chức tước hay bất cứ phúc lợi riêng cho mình, được anh kết thúc: “Em ước muôn đời thái hòa”.

Ba bài Phật ca là ba tác phẩm nghệ thuật cho ta thấy được sự điêu luyện, khéo léo của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên: Không quá Tây, không quá ta, không dân dã, không hiện đại, gần gũi nhưng khác biệt. Âm điệu thấm nhuần tiết tấu Phật giáo giúp người hát hướng tâm gởi trọn lòng thành kính vào lời kinh đến Đức Từ Phụ.

Hơn hai mươi năm trước, chúng tôi ứng dụng các bài Phật ca vào buổi lễ hàng tuần, được giới trẻ tham dự nhiệt tình, gặt hái nhiều hạnh phúc tâm linh. MP3 từ cuốn băng xưa dù không thể so sánh với nhạc cụ và âm thanh hiện đại ngày nay, nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn phối âm và cách thể hiện hát xướng. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã chính tay đệm đàn và hướng dẫn người hát để lời kinh được hát ở cung điệu mà nhạc sĩ muốn gởi gắm vào. Tôi tin rằng ba bài Phật ca sẽ được ca sĩ chuyên nghiệp, nhà hòa âm tài ba thu thanh để người Phật tử có thêm phương tiện kết duyên cùng Tam bảo.



Nghe Sám Hối Phát Nguyện bằng MP3
         Lời và nốt nhạc cùng chữ ký tác giả pdf




Nghe Cúng Hương Tán Phật bằng MP3
                 Lời và nốt nhạc cùng chữ ký tác giả pdf



Nghe Em Đi Lễ Chùa bằng MP3
                 Lời và nốt nhạc cùng chữ ký tác giả pdf



Huyền Lam
Giác Ngộ số Phật Đản 692


Monday, May 20, 2013

Ngày Phật Sinh - Tưởng Nhớ Thầy


Cũng như bao người, tôi may mắn có vị Thầy rất xa và cũng rất gần.   Những lời Thầy dạy đã giúp tôi rất nhiều trong  quá khứ,  hiện tại và cả tương lai.  Nhờ Thầy, tôi vượt qua nhiều đau khổ trong tận cùng, hoán chuyển bao hận thù thành thông cảm, hiểu rồi thương.   Thầy đã giúp tôi có nhiều bạn bè trong cuộc sống, giao tiếp nhiều thân hữu khác phái chân thành nhưng không vướng mắc,  thoát được say mê quyền lực,  tránh xa tiền bạc bất chính dù có lúc nghèo không lối thoát.  Mong rằng, nhớ ơn Thầy tôi sẽ cố gắng giữ được như thế mãi mãi.

Tôi thương Thầy và qúy Thầy ở chỗ:  Thầy không bắt tôi phải nghe lời Thầy dạy.  Thầy cho tôi được quyền không tin những lời Thầy nói,  miễn là tôi chứng minh được những điều ấy sai.  Dẫu tôi có bỏ Thầy đi chăng nữa, Thầy cũng mỉm cười cho tôi là người chẳng tội tình chi.  Thầy cũng khuyên tôi và mọi người là Thầy cũng chẳng hơn gì một ai, nếu mọi người đều nổ lực thực hành, học tập và suy nghiệm như Thầy.

Tôi chỉ là một trong vô số học trò của Thầy.  Ngày Thầy trở về cõi hư không - Niết Bàn,   học trò nhớ thương Thầy đã làm nên nhiều bức tượng,  bức họa  chân dung mô tả lòng từ bi vô tận và trí tuệ siêu việt của Thầy.  Tôi rất yêu qúy những tượng, hình Thầy.  Mỗi ngày, có khi sáng sớm, có khi đêm khuya, tôi thường ngồi lặng yên nhìn hình Thầy.  Khuôn mặt trong sáng với nụ cười từ ái ấy đã xoá đi bao  muộn phiền, bực bội của tôi.  Tôi ngồi như dáng Thầy ngồi, thở thật sâu, thật nhẹ, mỉm cười như Thầy đang cười, có lúc tôi thấy Thầy gẫn gủi quá đỗi.  Thầy như ở trong tôi, một cảm giác thanh tịnh, bình yên, trong sáng như pha lê  lạ lùng!

Nhiều khi tôi thấy mình yếu đuối,  nhỏ bé nên thèm được gọi tên Thầy, tôi gọi mãi với bao yêu thương thành kính gởi trọn trong đó.  Lạ lùng thay, tôi cảm được Thầy nghe được tiếng tôi, cho tôi thêm năng lực vượt qua nghịch cảnh, tuyệt vọng.

Tôi cũng như bao đệ tử, gọi tên Thầy ngắn gọn trìu mến là Đức Phật, tức là người đã giác ngộ, tỉnh thức, sáng suốt hoàn toàn.    Hôm nay, kỷ niệm sinh nhật Đức Phật, tôi thành kính dâng lên ngài lòng nhớ ơn trọn vẹn với niềm cảm thương vô bờ:

Tưởng nhớ Thầy, con một lòng kính mến,
Quỳ  lạy Phật, nguyện học người tỉnh thức.

Huyền Lam

Wednesday, May 15, 2013

“Sức hút” của Đức Dalai Lama tại Hoa Kỳ

Sau chuyến viếng thăm và thuyết trình tại Âu Châu, Đức Dalai Lama đã đến Hoa Kỳ. Trạm dừng chân đầu tiên tại Trường đại học tiểu bang Maryland vào ngày 7-5 vừa qua đã thu hút hàng ngàn thính chúng chờ nghe.  Ngài thuyết trình đề tài Hoà bình - Từ bi - Tình bằng hữu (Peace - Compassion - Fellowship).  

Khoảng 30 ngàn người đã ghi danh dự buổi thuyết giảng, tuy nhiên hội trường chỉ có thể đủ cho 15 ngàn người có chỗ ngồi khiến khá nhiều người tiếc nuối. 



Tại Đại Học Maryland
Theo nhật báo Baltimore, đây là lần đầu tiên trong lịch sử tại tiểu bang Maryland, chương trình thuyết giảng do hiệp hội ASLS tổ chức có số lượng đông người tham dự như vậy. Những nhân vật hàng đầu thế giới trước đây như cựu tổng thổng Nam Phi Nelson Mandela, cựu tổng thổng Hoa Kỳ Jimmy Carter, ngài tổng thư ký Liên Hiệp quốc Kofi Annan cũng chỉ thu hút được 10 ngàn người. 

Đến dự buổi thuyết giảng gồm thống đốc, quan chức cao cấp  bang Maryland cùng giới trí thức uyên thâm, sinh viên thuộc các trường đại học danh tiếng trong vùng. 

Nhân cách giản dị, khiêm tốn, khuôn mặt luôn cười, đùa giỡn rất tự nhiên, những lời khai thị hóm hỉnh, sâu sắc đã khiến rất nhiều người hâm mộ, yêu mến ngài.
Nhân cách hoà đồng, gần gũi

Rất nhiều người muốn nghe ngài thuyết giảng nhưng đành phải ở bên ngoài
Rời Maryland, Đức Dalai Lama đến bang Oregon từ ngày 8 đến 11-5. Tại đây ngài có 5 buổi thuyết giảng về đề tài môi trường tại 3 đại học lớn trong vùng. Ban Tổ chức đã bán vé gây quỹ cho trường. Giá vé từ 20 USD cho đến vé VIP bảo trợ 1.500 USD. Tất cả đã bán sạch nhiều tuần trước dù mỗi nơi thuyết giảng có sức chứa từ 10 ngàn đến 15 ngàn người. Đây cũng là kỷ lục chưa từng có tại Trung tâm hội nghị - thể thao Mathew Knight Arena.


"Sức hút' từ Đức Dalai Lama - Mến mộ ngài, thính chúng choàng khăn lụa theo truyền thống PG Tây Tạng
Sau chuyến viếng thăm bang Oregon, Đức Dalai Lama đến bang Wisconsin, Louisiana và Kentucky - thể theo lời mời từ các trường đại học để thuyết trình nhiều đề tài khác nhau.

Mỗi nơi bên cạnh trao tặng văn bằng tiến sĩ danh dự, ngài còn được tặng một chiếc nón có in phù hiệu trường như là một biểu tượng tình cảm gắn bó giữa các trường đại học và ngài. Nhân cách sống và trí tuệ siêu việt, Đức Dalai Lama ảnh hưởng đến tầng lớp trí thức Tây phương vô cùng lớn lao.

“Việc thuyết giảng tại các đại học, viện hàn lâm danh tiếng sẽ nuôi dưỡng Phật giáo phương Tây  tốt tươi dựa trên trí tuệ và hành trì (pháp hành). Phật giáo Tây phương hiện đang phát triển hết sức thuận lợi từ những duyên lành này”, các nhà chuyên môn đánh giá như thế."


Những buổi thuyết giảng của Đức Dalai Lama
Chúng tôi đã tham dự các buổi nói chuyện của ngài và lược ghi nội dung thuyết giảng của Đức Dalai Lama để độc giả biết được những vấn đề nóng bỏng thế giới quan tâm:
Môi trường và Tâm linh (Spirituality and the Environment) - giảng sáng 9-5-2013
Những liên hệ giữa tâm linh và ý thức môi trường như thế nào? Niềm tin tôn giáo sẽ giải quyết những vấn nạn môi trường hiện nay ra sao?  Đây là một buổi thuyết trình, thảo luận đầy xúc cảm giúp cộng đồng nhân loại trân trọng  môi trường qua đức tin tôn giáo. 

Trách nhiệm chung và Môi trường nội tâm: Bản chất của tâm (Universal Responsibìty & Inner Environment: The Nature of the Mind) - giảng chiều 9-5-2013
Mối liên hệ giữa “môi trường nội tâm” của từng cá nhân tác động lên môi trường sống của toàn nhân loại. Đức Dalai Lama thuyết trình về bản chất của tâm theo giáo lý nhà Phật, qua đó tánh thiện và lòng từ của nhân loại nếu được nuôi dưỡng sẽ đem lại lợi lạc cho người và môi trường sống. Sau buổi thuyết trình là phần trả lời các câu hỏi do sinh viên và hội đồng giáo sư đệ trình.

Con đường đẫn đến an lạc và hạnh phúc trong xã hội toàn cầu (The Path to Peace & Happiness in Global Society) – giảng chiều 10-5-2013
Ứng dụng giáo lý nhà Phật để khai mở lòng từ, nuôi dưỡng tâm từ, làm chủ được tâm để mang lại an lạc cho cuộc sống lành mạnh góp phần tạo nên thế giới hoà bình.

Trách nhiệm chung và Môi trường sống toàn cầu (Universal Responsibility & Global Environment): giảng sáng 11-5-2013
Trước những thực tế vấn nạn môi trường và lòng khát khao muốn thay đổi, chúng ta phải làm gì để biến thành hành động cụ thể. Đạo đức, khoa học, ý thức sẽ được vận dụng ra sao để tạo ra những chính sách thiết thực bảo vệ môi trường mà mỗi người, mỗi cơ quan, mỗi quốc gia có trách nhiệm, bổn phận bảo vệ.


Tạo nguồn cảm hứng cho môi trường toàn cầu (Inspiration for the Global Environment):  giảng chiều 11-5-2013
Phải đối diện với những thách thức to lớn về vấn nạn môi trường toàn cầu, chúng ta lắm lúc bất lực và tuyệt vọng. Làm thế nào để chuyển đổi tuyệt vọng và bất lực trở thành niềm tin vững chắc: dẫu ta chỉ là một cá nhân nhưng có thể góp phần thay đổi môi trường. Đạo đức thế kỷ này được ứng dụng ra sao để cải thiện môi trường sống và chúng ta trở thành người công dân hành tinh xanh (the earth citizen).




Hội trường vĩ đại cũng không đủ sức chứa

Hết vé, nhiều người đành coi qua màn hình tại những địa điểm bên ngoài
Đức Dalai Lama tại buổi thuyết giảng với chiếc nón trường đại học tặng

Mọi người đều hân hoan khi gặp ngài

Huyền Lam
Giác Ngộ Online -  Ngày 15 tháng 5-2013  

http://giacngo.vn/vanhoa/kylucphatgiao/2013/05/15/164009/


Saturday, May 4, 2013

Hương Sen Nơi Chốn Ao Tù

Tổng thể nhà tù được che khuất sau rừng rậm

Buổi sáng sớm đầu mùa xuân, tôi theo Scott đi thăm chi hội Phật Tử tại nhà tù tiểu bang (Prison Sangha).  Từ xa lộ cao tốc hiện đại, lấy lối rẽ vào con đường nhỏ xuyên qua cánh rừng thông cao dày, một nhà tù khổng lồ giữa cánh đồng mênh mông trống vắng sừng sững hiện ra.  Tôi thỉnh thoảng đi ngang xa lộ này, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng phiá sau cánh rừng xinh đẹp ấy có một nhà tù  hàng hàng lớp lớp giây kẽm gai,  những tháp canh có nhân viên an ninh mặt lạnh luôn cầm súng, nhiều giàn đèn cao áp và không biết bao nhiêu máy ghi hình (video camera).  Chỉ nhìn chút ấy thôi đã thấy lạnh xương sống dù đây chỉ là nhà giam loại trung chứ không phải loại an ninh cao dành cho tội phạm nghiêm trọng.


Ấy thế hơn mười năm qua, hầu như cuối tuần Scott đều lên lịch đi thăm với mục đích duy nhất hướng dẫn thiền, chia sẽ lời Phật dạy cho tù nhân.  Có trại tù nằm ngoài đảo xa, có cái nằm giữa sa mạc hoang vu, có cái giữa núi cao rừng sâu.  Dù phải lái xe 3, 4 trăm cây số anh vẫn đi và nhờ những nổ lực không mệt mõi ấy, anh đã thành lập được chi hội Phật tử tại hầu hết trại giam.  


Scott lái xe vô bãi đậu trước cổng nhà tù, tôi phụ anh khiêng mấy thùng sách cho vào xe đẩy.  Sau phần thủ tục rà xét kỷ lưỡng hơn đi máy bay, chúng tôi được nhân viên an ninh có đầy đủ súng ống,  tháp tùng qua nhiều lớp cửa thép dày đóng mở bằng mã số.  Scott đã quen không khí sắt thép, cấu trúc lạnh lùng nên không chút bối rối, chẵng những thế anh rất hớn hở như đứa bé sắp được mẹ cho quà.  Còn tôi lần đầu đi vào chốn thế này, tâm bất an căng thẳng chi lạ.    


Người đàn ông mặc trang phục dân sự chờ chúng tôi  trước cửa căn phòng. Ông ta cười tươi,  bắt tay như thân quen Scott đã lâu.   Nụ cười lần đầu tiên tôi gặp xoá đi phần nào cảm giác rờn rợn.   Sau vài câu xã giao, ông bấm mã số mở cửa phòng:  - Họ đang đợi bạn bên trong.

Tù nhân toạ thiền
Khoảng 40 tù nhân thuộc nhiều  lứa tuổi và màu da khác nhau  đang ngồi trên bồ đoàn đồng đứng dạy, mỉm cười, chấp tay:  - Namyo  Sakyamuni Buddha  (Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật)

Lần đầu tiên nhìn Phật tử trong áo quần tù, tôi ngỡ ngàng giây lác rồi chợt nhớ có nhiệm vụ thiết lập bàn thờ Phật cho buổi thiền tâp.  Scott bắt đầu nghi thức niệm Phật, xướng kinh Anh Ngữ.  Tù nhân đã thuộc lời kinh, đồng tụng rất nhịp nhàng.  Từng chữ được ngân rất trầm, rất mạnh như chuyển đạt nổi khát khao hướng thiện cháy bỏng!  Sóng Phật âm xoay vần chuyển động.   Năng lượng giác ngộ phút chốc sưởi ấm căn phòng thô cứng lạnh lẽo.  Tôi thấy mình ngụp lặn trong biển từ lai láng cùng đồng loại có Phật tánh trong lòng.

Sau thời kinh, Scott hướng dẫn thiền toạ rồi đến thiền hành trước khi bắt đầu phần chia sẽ lời Phật dạy.  Trong bốn bức tường bít bùng, những bước chân chậm rãi  nhẹ nhàng, thong dong tự tại như mây trôi đỉnh núi.  Hạnh phúc và đau khổ được hiện rõ nơi đây.  Những tù nhân này thay vì ngồi thả hồn buồn chán, bực bội trong năm tháng tù tội đã chọn con đường tỉnh thức để đem lại an lạc, khai mở trí tuệ cho chính mình. Trong phần pháp thoại, Scott nói về  chánh nghiệp và chánh mạng (right action: làm đúng; right livelihood: sống đúng) là 2 trong 8 con đường Phật chỉ dạy (bát chánh đạo).  Scott trình bày đơn giản dễ hiểu, đưa những ví dụ đời thường để người nghe có thể cảm nhận được.  

Tù nhân thiền hành
Đến phần chia sẽ quá trình tu tập, hành giã tự nguyện đưa tay để được phát biểu.  Đây là phần tôi mong đợi vì chính trong môi trường không còn gì cám dỗ, người tu thật sự hành trì để thực chứng.  

Robert - 23 tuổi:  “tôi thật sự thay đổi rất nhiều từ khi vào trại giam.  Trước đây tôi rất dễ kích động đánh lộn, nhưng từ ngày tôi thực tập thiền, tôi rất an lạc.  Bây giờ rất khó kích động hoặc làm tôi nổi giận.  Thiền và lời Phật dạy đã thay đổi tôi hoàn toàn.”

James - 41 tuổi: “trước đây tôi lúc nào cũng giận dữ và sẵn sàng đánh người.  Nhưng tôi quyết định  khi ra tù tôi không muốn như thế.  Tôi thử tập thiền để đối trị giận dữ và quả thật đã giúp tôi rất nhiều.  Tôi đã học cách quán chiếu khi sân hận nổi lên và từ từ kiểm soát được cảm xúc của mình.  Tôi ước mong có nhiều bạn tù tham gia vào chi hội hơn nữa, vì Phật giáo đã đem lại lợi ích cho tôi.”

Giờ pháp thoại và chia sẻ bên bàn thờ Phật di động
Lidarius - 24 tuổi:  “Chúng tôi gây ra tội ác thường do hoàn cảnh sống khắc nghiệt, không được giáo dục, hoặc không kiềm chế được tham lam, sân hận.  Bây giờ tôi đã biết cách mỗi ngày dành thì giờ để thiền  theo dõi hơi thở của tôi, bỏ qua mọi chuyện.  Chính bỏ qua mọi chuyện lại tạo những điều lành đến với tôi”

Sisi - 34 tuổi:  “Mấy người bạn tù hỏi tôi làm cái gì thế?  Tôi bảo rằng tôi muốn dành thời gian cho riêng tôi.  Mà thật sự là như thế!  Tôi dành thì giờ cho nội tâm của tôi!  Và trong nội tâm của mọi người đều có chất thiện.  Chẳng qua có người chọn con đường sai vì quên đi nội tâm.   Dành thời gian để biết về nội tâm chính tôi thật sự làm tôi cảm thấy rất an lành.”
.....

Tiếng chuông nhà tù báo hiệu buổi tu học 2 tiếng sắp chấm dứt, trước khi tặng kinh sách, Scott mời tôi có đôi lời.  Tôi ráng dấu cảm xúc, nói thật chậm:

- Trước hết,  xin được bày tỏ lòng ngưỡng mộ đến các bạn đã lập nên chi hội Phật tử tại môi trường không tưởng này.   Trong truyền thống Phật Giáo, hoa sen luôn được dùng làm biểu tượng.   Có lẽ các bạn chưa từng thấy hoa sen vì chúng ta sống ở miền lạnh.  Đây là loài sống trong ao bùn hôi hám mà hầu như không có loài cây nào sống, thế nhưng loài sen đã nổ lực vươn lên vượt qua khỏi lớp bùn ấy để tạo ra những đóa hoa đẹp tinh khiết.   Hôm nay tôi thật sự quá xúc động, các bạn đã làm tôi rơi nước mắt khi lần đầu tiên đến nơi không ai muốn đến, tận mắt nhìn những nhành sen vươn lên mãnh liệt, cho ra những bông hoa vô cùng thánh thiện. Xin gởi lòng biết ơn các bạn đã cho tôi nghiệm chứng hình ảnh cao qúy ngày hôm nay mà rất khó thấy ở đời thường.   Các bạn là tấm gương cho tôi noi theo học hạnh tinh tấn.  Kính chúc các bạn luôn được nhiều an lạc và  thành công trên con đường học lời Phật dạy...  

Tiếng chuông thứ hai báo hết giờ, chúng tôi chấp tay búp sen chào giã từ, hẹn tháng sau gặp lại.  Cảm giác bất an khi tôi đến đây đã không còn.   Không khí lạnh lùng sắt thép, kẻm gai súng ống vẫn hiện diện nhưng hương sen đã sưởi ấm trái tim.  Bây giờ tôi hiểu vì sao Scott hằng tuần hăng hái có những chuyến đi như thế và lúc nào cũng rạng rỡ hạnh phúc. Được giúp người hướng thiện là một hạnh phúc.   Chợt thương mến vô cùng  bậc giác ngộ vĩ đại Thích Ca, sau khi thành đạo ngài cũng đi suốt mấy mươi năm trời không ngưng nghĩ cho đến khi nhập niết bàn.  Ngài đi khắp nơi giúp người thoát khổ dù nơi ấy có hiểm nguy, gian nan nghèo đói.  Ngài là bậc hạnh phúc an lạc nhất thế gian chính vì những điều ấy.  Xin nguyện cầu cho tôi cùng tất cả chúng sanh đủ năng lực, trí tuệ và tình thương để được đi như đức Phật, dù chỉ đi đươc những bước đi rất nhỏ bé.

Phụ chú:  Chương trình chi hội Phật tử tai nhà tù (Prison Sangha) hiện đang phát triển mãnh liệt tại Hoa Kỳ và được Bộ Cải Huấn - Quản Lý Tù hết lòng khen ngợi do giảm thiểu bạo loạn trong trại giam và đồng thời cung cấp giải pháp ổn định tinh thần, khai mở trí tuệ cho tù nhân.   Hầu hết các chương trình này do tu sĩ và cư sĩ người Hoa Kỳ sốt sắng tình nguyện.  Đạo Phật nhập thế - dấn thân của Tây Phương cũng đang có sức hút giới trẻ người Mỹ gốc Á.

Huyền Lam
Giác Ngộ Số 691: Ra ngày 4 tháng 5-2013



Hình Bìa tuần báo Giác Ngộ số 691 minh hoạ cho bài viết